Hormone nội tiết tố thay đổi khiến bà bầu thường xuyên gặp phải các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng, tiêu chảy… Bà bầu có thể bị tiêu chảy trong những tháng đầu mang thai. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ phổ biến hơn trong những tháng cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, tiêu chảy có thể là dấu hiệu cho biết bà bầu sắp vượt cạn.
Nguyên nhân và dấu hiệu bà bầu bị tiêu chảy
Bà bầu bị tiêu chảy thường đi đại tiện phân lỏng thường xuyên (nhiều hơn 2 lần mỗi ngày) kèm theo triệu chứng đau bụng, đầy hơi, mất nước. Nguyên nhân bà bầu bị tiêu chảy có thể xuất phát từ một trong các yếu tố:
Sự thay đổi hormone trong cơ thể
Các hormone thai kỳ gia tăng tác động không nhỏ đến hệ tiêu hóa của bà bầu. Chị em sẽ cảm thấy buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống trong thai kỳ hướng đến tiêu chí khoa học, lành mạnh. Nhiều chị em cố gắng thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày sẽ dẫn đến những thay đổi nhất định của nhu động ruột. Hệ quả là chị em có thể bị tiêu chảy trong giai đoạn thay đổi chế độ ăn uống tốt cho mẹ và bé.
Bổ sung vitamin trước và trong thai kỳ
Có rất nhiều loại viên uống tổng hợp bổ sung vitamin cho bà bầu trước và trong thời kỳ mang thai. Bà bầu uống thuốc bổ dạng này có thể bị táo bón, tiêu chảy và một số tác dụng phụ khác.
Ngoài ra, nguyên nhân bà bầu bị tiêu chảy còn do sự tấn công của vi khuẩn gây hại đường ruột, ngộ độc thực phẩm, sử dụng thuốc kháng sinh, hội chứng viêm ruột, hội chứng celiac đường ruột hoặc căn bệnh cường giáp trạng.
Bà bầu bị tiêu chảy phải làm sao?
Triệu chứng tiêu chảy ở bà bầu có thể xuất hiện và biến mất một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, một số trường hợp bà bầu bị tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến tình trạng mất nước và gây hại cho sức khỏe trong thời kỳ mang thai.
Để khắc phục tình trạng tiêu chảy trong thai kỳ, bà bầu nên áp dụng những giải pháp đơn giản, hiệu quả sau:
Dành thời gian nghỉ ngơi
Khi bị tiêu chảy, bà bầu nên nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn uống để hệ tiêu hóa sớm lấy lại cân bằng. Triệu chứng tiêu chảy thông thường ở bà bầu do đường ruột không tốt hoặc các vấn đề về thực phẩm. Bà bầu bị tiêu chảy không kèm theo các dấu hiệu như sốt, đau bụng, chuột rút sẽ nhanh chóng bình phục trong vài ngày.
Cung cấp nước cho cơ thể
Tiêu chảy làm cơ thể bà bầu bị mất nước trầm trọng. Bổ sung nước cho cơ thể khi bị tiêu chảy là việc làm cực kỳ cần thiết. Bà bầu có thể uống nước lọc, nước cân bằng điện giải, nước súp rau củ, nước súp gà. Mặt khác, bà bầu bị tiêu chảy không nên uống sữa, các đồ uống có đường, trà, cà phê để chứng tiêu chảy không trở nên trầm trọng.
Chú ý chế độ ăn uống
Bà bầu bị tiêu chảy nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, không gây kích ứng dạ dày và tuyệt đối tránh xa các thực phẩm chiên xào, cay nóng hay thực phẩm giàu chất béo. Theo các chuyên gia, bà bầu bị tiêu chảy có thể ăn nhiều chuối, táo, bánh mì nước, cháo loãng, khoai tây, thịt gà, thịt nạc.
Hạn chế dùng thuốc trị tiêu chảy
Bà bầu bị tiêu chảy không nên tự ý dùng các loại thuốc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi. Trong trường hợp cần thiết, bà bầu chỉ được phép uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.