Bà bầu bị stress tác động tiêu cực đến thai nhi
Một số chuyên gia tin rằng, những cơn căng thẳng kéo dài (do người thân trong gia đình mất, mất việc, sốc tình cảm...) có thể tác động tiêu cực đến thai kỳ của mẹ, gây ra các biến chứng như sinh non, nhẹ cân và thậm chí là rối loạn giấc ngủ và hành vi của thai nhi.
Một nghiên cứu khác lại cho rằng: Ảnh hưởng của sự căng thẳng mãn tính đối với thai nhi là thường rất nhỏ và bà bầu có xu hướng phải chịu đựng nhiều hơn so với em bé. Ví dụ, stress mãn tính có thể gây ra một số triệu chứng như khó ngủ, các vấn đề về tiêu hóa, đau đầu, căng cơ và huyết áp cao…
Mọi người chúng ta đều đối mặt stress mỗi ngày trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, bà bầu thường trải qua những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn rất nhiều, do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone trong cơ thể.
Ảnh hưởng của stress trong thai kỳ sớm
Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Endocrinology cho thấy: Bà bầu bị stress trong ba tháng đầu thực sự có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn cư trú trong âm đạo của người mẹ.
Những vi khuẩn này được chuyển sang trẻ sơ sinh trong quá trình sinh thường dẫn đến những thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và sự phát triển não bộ của trẻ. Các vi khuẩn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và trao đổi chất ở trẻ sơ sinh.
Các nhà khoa học tin rằng hệ vi sinh vật đường ruột bị thay đổi có liên quan đến nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh bao gồm tự kỷ và tâm thần phân liệt ở đứa trẻ sau này.
Những ảnh hưởng này đã được quan sát trong phòng thí nghiệm của Đại học Pennsylvania (Mỹ) ở những con chuột mang thai, chúng phải chịu đựng những tác nhân gây căng thẳng như tiếng động lạ, mùi động vật ăn thịt và bị gò bó trong môi trường nuôi nhốt chật hẹp. Tất cả điều này xảy ra trong thời kỳ đầu mang thai (ba tháng đầu tiên).
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Phát hiện của chúng tôi trong mô hình chuột hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu dịch tễ học, tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn quan trọng và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố môi trường khác nhau, căng thẳng, nhiễm trùng và suy dinh dưỡng có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh thai nhi, dễ dẫn đến tự kỷ, tâm thần phân liệt”.
Một số nghiên cứu khác cũng xem xét về vấn đề bà bầu bị stress trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, may mắn thay, kết quả thai nhi bị tổn thương chưa đủ để thuyết phục các chuyên gia nghiên cứu.
Bà bầu bị stress liên quan gì đến các vấn đề giấc ngủ của bé?
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Early Human Development, những phụ nữ thường xuyên bị stress hoặc trầm cảm khi mang thai có khả năng sinh con gặp vấn đề về giấc ngủ cao hơn gần 40% so với những phụ nữ không mắc bệnh.
Các chuyên gia cho rằng có sự liên quan đến lượng hormone căng thẳng cortisol tăng cao trong cơ thể khi bà bầu căng thẳng quá mức. Tác giả nghiên cứu Thomas O'Connor - Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester cho biết: “Hóa chất này có thể đi qua nhau thai, ảnh hưởng đến phần não điều chỉnh chu kỳ đánh thức giấc ngủ của trẻ”.
Giảm căng thẳng khi mang thai
Mỗi người phụ nữ thường trải qua những căng thẳng khác nhau, những gì khiến mẹ bầu bị stress có thể không phải là vấn đề lớn đối với người khác và ngược lại, điều quan trọng là mẹ cố kiểm soát tình trạng stress của mình.
Việc chia sẻ với người thân và bạn đời những áp lực và vấn đề mà mẹ đang gặp phải là cách hiệu quả nhất giúp bà bầu giảm bớt căng thẳng khi mang thai.
Mẹ có thể xem xét việc tập yoga trước khi sinh. Đây không chỉ là biện pháp thư giãn mà còn là một cách tuyệt vời để giữ gìn vóc dáng và sức khỏe. Đôi khi chỉ đơn giản như nhắm mắt lại và hít thở sâu hoặc đi bộ nhanh cũng có thể giúp mẹ giải tỏa tâm trí.
Nếu tình trạng stress của mẹ không giảm mà còn xuất hiện thêm các triệu chứng như: Luôn cảm thấy lo lắng, mất hứng thú với cuộc sống, cảm thấy vô vọng, ngủ/ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, khó tập trung… lúc này mẹ hãy nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Đây có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc các rối loạn lo âu - những bệnh lý ảnh hưởng đến hơn 10% phụ nữ mang thai, cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.
Bà bầu bị stress ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Các mẹ nên cố gắng tránh xa những áp lực căng thẳng, cố tạo niềm vui cho bản thân để tận hưởng một thai kỳ tuyệt vời.