Áp xe vú là bệnh gì?
Áp xe vú là một loại nhiễm trùng xảy ra khi bầu vú phụ nữ tích tụ mủ dẫn đến tình trạng sưng viêm, tấy đỏ. Áp xe vú thường gặp ở những phụ nữ sau sinh cho con bú. Thời điểm này, sữa mẹ có thể gây nứt núm vú tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vú.
Bên cạnh đó, bệnh áp xe vú có thể gặp ở những phụ nữ thừa cân, kích thước ngực quá lớn hoặc những chị em phụ nữ vệ sinh vú không đúng cách. Những trường hợp hiếm gặp, áp xe vú có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú.
Ở phụ nữ sau sinh, triệu chứng áp xe vú xảy ra khi có hiện tượng tắc tia sữa. Sữa trong dòng chảy không thể thoát ra ngoài dẫn đến tình trạng sữa đông kết. Nguy cơ này làm chèn ép các ống dẫn sữa khác tạo nên vòng xoắn bệnh lý khiến trình trạng tắc tia sữa thêm trầm trọng.
Phụ nữ đang cho con bú không thực hiện thông tia sữa sau sinh, không vắt bỏ sữa thừa khi con bú khiến sữa bị tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm mủ gây nên hiện tượng áp xe.
Dấu hiệu nhận biết bị áp xe vú
Dấu hiệu nhận biết phụ nữ bị áp xe vú chị em cần nhận biết là triệu chứng vú bắt đầu sưng, cứng và đau nhức kèm theo tình trạng sốt, nổi hạch. Vùng da ngực sưng đỏ hoặc có màu vàng nhạt.
Áp xe vú có mủ sẽ có vùng mềm, mủ không được thoát ra ngoài đóng kén xung quanh và xơ hóa cứng. Phụ nữ sẽ có cảm giác đau khi dùng tay ấn vào khu vực tuyến vú bị áp xe khi cử động vai hoặc cánh tay.
Phụ nữ bị áp xe vú cho con bú có thể cảm nhận sự xuất hiện của những cục cứng bên trong vú. Tại thời điểm phát hiện, các bác sĩ khuyên người mẹ nên ngưng cho con bú. Trẻ bú tại bên vú bị áp xe của mẹ có thể bú phải phần sữa lẫn dịch mủ, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sơ sinh.
Áp xe vú còn khiến cơ thể phụ nữ tăng thân nhiệt, xuất hiện các cơn sốt nhẹ từ 38 - 40 độ C kèm theo cảm giác ớn lạnh và rùng mình.
Cách điều trị áp xe vú
Áp xe vú không được điều trị kịp thời sẽ tạo thành khối viêm, dễ tái phát. Các tuyến sữa bị tổn thương có nguy cơ không còn chức năng tiết sữa. Trường hợp nặng có nguy cơ dẫn đến hoại tử. Khu vực vú áp xe bị nhiễm trùng có thể lan sang các mạch máu, đến các bộ phận khác của cơ thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng máu, suy thận có thể dẫn đến tử vong.
Thông thường, triệu chứng áp xe vú sẽ được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thời điểm này, nhiều bà mẹ sẽ tạm ngừng việc cho con bú đến khi khỏi các triệu chứng áp xe vú và nhiễm trùng. Dựa vào tình trạng viêm nhiễm, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng thuốc nội khoa hoặc thủ thuật chích, rạch áp xe vú để hút dịch mủ ứ đọng bên trong.
Phụ nữ sau sinh nuôi con bú bị áp xe vú cần được được nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để vết thương nhanh lành. Chị em lưu ý không nên áp dụng một số cách dân gian dễ khiến nguy cơ nhiễm trùng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.