Theo thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Đa Khoa Phú Thọ mới đây đã tiếp nhận bệnh nhi 15 tuổi nhập viện trong tình trạng mệt lả, nhợt nhạt, nôn ra dịch dạ dày màu đen số lượng lớn (khoảng 400ml) kèm đi ngoài phân đen. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá mức độ nặng và thực hiện truyền máu cấp cứu đồng thời thực hiện nội soi dạ dày gây mê cho bệnh nhi.
Khi các bác sĩ thực hiện nội soi dạ dày phát hiện hành tá tràng có ổ loét kích thước ~1cm, đáy có điểm mạch, chảy máu, các bác sĩ đã tiến hành kẹp 1 clip cầm máu. Bệnh nhi sau đó được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và điều trị.
Người nhà bệnh nhân cho biết trước nhập viện khoảng 23h trước ngày nhập viện, cháu ăn đêm sau khi đi học thêm về. Khoảng 1 giờ sau ăn xuất hiện đau bụng thượng vị, buồn nôn và nôn ra thức ăn kèm dịch máu màu đen số lượng nhiều.
Cháu xuất hiện đau bụng âm ỉ thượng vị khoảng 1 tháng trước và đã đi khám và dùng thuốc nhưng không đỡ, bệnh nhi thường xuyên thức khuya và ăn đồ chua cay.
Các bác sĩ tại Trung tâm tiêu hoá hô hấp bệnh viện cho biết, bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa nặng do chảy máu ổ loét hành tá tràng, nếu không kịp can thiệp, bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu.
Bác sĩ đồng thời khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần theo dõi sức khoẻ của con, khi các cháu có biểu hiện đau bụng thường xuyên cần khám chuyên khoa tiêu hoá, nếu xuất hiện đau bụng kèm nôn ra máu, đi ngoài phân đen cần đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Học sinh sinh năm 2008 chuẩn bị vào kì thi lên lớp 10 nên áp lực học tập khá cao, phụ huynh nên chia sẻ, tâm sự cùng trẻ tránh gây áp lực học tập, ngủ, nghỉ, học tập có thời gian hợp lý, không thức quá khuya và học tập quá sức.
Cách giảm áp lực cho trẻ mỗi mùa thi cử
Xây dựng thời gian biểu hợp lý
Để tránh áp lực và tăng hiệu quả học tập, trẻ em không nên học liên miên từ sáng đến tối. Tùy theo thể trạng mỗi người, các em nên chia thời gian học phù hợp vào mỗi buổi. Chú ý rằng, khi tập trung học liên tục hơn 2 giờ thì nên dành khoảng 15 phút xả hơi.
Ngủ đủ giấc
Não bộ cần có thời gian nghỉ ngơi để tiếp nhận kiến thức tốt hơn. Do vậy, cần đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7h, ngủ trước lúc 23h, sáng dậy sớm lúc 5h học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng để thư giãn đôi mắt.
Nghe nhạc nhẹ, xem phim hài
Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng sẽ giúp tinh thần thoải mái và thư giãn hiệu quả hơn. Một bộ phim hài cũng giúp tinh thần sảng khoái và xua tan tâm trạng hồi hộp, lo lắng hay áp lực trước mỗi kỳ thi.
Chia sẻ áp lực với người thân, bạn bè
Việc trao đổi hay chia sẻ những lo lắng khúc mắc sẽ phần nào giúp tinh thần thoải mái hơn. Bên cạnh đó, những người xung quanh sẽ giúp các em có được những lời khuyên tốt hơn để có thể vượt qua những áp lực của các kỳ thi.
Ca hát
Hát cũng là một phương pháp giúp giải tỏa tâm trạng rất hiệu quả. Ca hát có thể giúp gia tăng cảm xúc tích cực và khiến tinh thần phấn chấn hơn. Nếu trẻ gặp phải tình trạng lo lắng cho kì thi sắp tới thì hãy thử ngay cách làm này để cải thiện tinh thần.
Vận động thường xuyên
Trẻ nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, đây là phương pháp hiệu quả giúp giảm căng thẳng, bảo vệ sức khỏe tốt để "chiến đấu" với kỳ thi sắp tới.