Trước thông tin Campuchia thông báo đã phát hiện 2 trường hợp mắc cúm gia cầm A(H5N1), một người tử vong, Bộ Y tế cho biết nước ta vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người, nhất là trong điều kiện thời tiết hiện nay đang ở giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), con người có thể nhiễm cúm gia cầm khi hít phải hoặc tiếp xúc với động vật mắc bệnh, vật dụng chứa mầm bệnh; tiếp xúc, sử dụng gia cầm ốm; chết do cúm; ăn các sản phẩm từ gia cầm chưa nấu chín kỹ, trong đó món trứng
Lo ngại cúm gia cầm nhưng không nhất thiết phải loại bỏ trứng khỏi thực đơn
Tuy nhiên, người dân không nên lo ngại cúm gia cầm mà loại bỏ các loại trứng gà, trứng vịt ra khỏi bữa ăn, vì chúng là những nguồn thực phẩm quan trọng, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Để giữ an toàn, chúng ta không chỉ không nên ăn trứng, thịt gia cầm nhiễm bệnh. Mà điều quan trọng là trong quá trình nấu nướng cần phải được nấu chín. Không nên ăn trứng sống hoặc đang còn lòng đào vì ở nhiệt độ này sẽ không đảm bảo nhiệt độ tiêu diệt virus.
CDC Mỹ khuyến cáo, cần nấu chín thịt gia cầm và trứng đến khi nhiệt độ bên trong đạt khoảng 73 độ C, để tiêu diệt virus cúm gia cầm và nhiều loại vi khuẩn khác. Trong đó có khuẩn salmonella gây nhiễm khuẩn đường ruột. Trong khi mức nhiệt để luộc trứng với phần lòng đỏ còn dẻo hoặc chảy thường từ 65-70 độ C, không đảm bảo tiêu diệt hết virus, vi khuẩn.
Mặt khác, gia cầm nhiễm cúm sẽ thải virus trong phân, nước bọt, dịch tiết mũi. Do đó phần vỏ trứng cũng có thể là một nguồn lây bệnh cho con người trong quá trình vận chuyển, chế biến trứng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh sau khi tiêu thụ gia cầm hoặc sản phẩm từ gia cầm được nấu chín kỹ, kể cả khi thực phẩm nhiễm cúm A/H5N1. Do đó, việc nấu chín thực phẩm rất quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm cúm gia cầm.
Dấu hiệu nhận biết người bị cúm A/H5N1
Khi nhiễm cúm A/H5N1 ở người các biểu hiện thường giống như cúm mùa thông thường. Các dấu hiệu sớm của cúm A/H5N1 ở người thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm.
Người bệnh có các biểu hiện sốt cao đột ngột có thể trên 38 độ C, đau ngực, khó thở… kèm theo đó người bệnh có biểu hiện đau họng, ho khan, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời.
Bệnh cúm A/H5N1 ở người diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Ở một vài trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng thể trạng khác nhau ở mỗi người, giai đoạn bệnh mà các triệu chứng sẽ khác nhau.
Làm gì để phòng bệnh cúm A/H5N1 ở người?
Do chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu khi nhiễm cúm A/H5N1 ở người, vì vậy để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tuyệt đối không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Cần đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Tuyệt đối không được ăn tiết canh.
- Không được vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Nếu phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đặc biệt gia cầm, thủy cầm mắc bệnh. Nếu cần thiết tiếp xúc với người bệnh, gia cầm, thủy cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, mặc quần áo bảo hộ, ủng, găng tay. Rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.
- Thời tiết chuyển lạnh cần ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng giúp phòng bệnh. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Cần lưu ý người mắc bệnh mạn tính, trẻ em là những người có nguy cơ mắc cúm cao, không nên tiếp xúc với nguồn bệnh.