Cụ thể, theo thông tin từ Báo VnEpress, ngày 22/1, đại diện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết người đàn ông thi thoảng bị đau đầu, co giật, có lần méo miệng, nhưng không đi khám do triệu chứng hết sau nửa tiếng.
Gần đây, ông đột ngột co giật nhiều lần lúc rạng sáng nên người nhà đưa vào viện kiểm tra. Kết quả chụp CT não phát hiện có ba ổ sán đang làm tổ bên trong, đã lan rộng và vôi hóa. Các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc theo phác đồ trị sán. Hiện sức khỏe của ông đã ổn định.
Bệnh nhân cho biết "món khoái khẩu" của ông là tiết canh, thịt tái, đặc biệt là tiết canh lợn, ngan, thường xuyên ăn vào mùng 1 hoặc dịp lễ, Tết.
Cũng theo Tuổi Trẻ, nhiều trường hợp trên một bệnh nhân nhiễm cả sán trưởng thành và cả ấu trùng sán lợn. Tuy nhiên trên thực tế thường gặp ấu trùng sán lợn là thứ phát sau tiền sử có mắc bệnh sán trưởng thành. Thống kê cho thấy trong số 60 bệnh nhân ấu trùng sán lợn điều trị tại Hà Nội có 30% nhiễm sán trưởng thành.
Người nhiễm sán lợn và ấu trùng sán lợn có thể có rất ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều năm (từ 10 - 20 năm), hoặc tùy từng vị trí ấu trùng sán lợn cư trú mà biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Một số vị trí sán hay cư trú như sau:
Ở não: Não là vị trí thường gặp nhất. Ấu trùng sán lợn cư trú trong hệ thần kinh trung ương, từ 60 - 96%. Những nang ở não gây bảy nhóm bệnh thần kinh như: động kinh, tăng áp lực sọ não, viêm não, rối loạn tâm thần, viêm màng não, rối loạn chức năng thần kinh và thể phối hợp.
Các biểu hiện thường gặp: nhức đầu 48,4%, động kinh 6,2%, rối loạn tâm thần 5,2%, rối loạn thị giác 15,6%, suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ 28,1%, co giật cơ 34,3%. Bệnh nhân có ấu trùng sán lợn trong não cao nhất là 300 nang. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử. Có trường hợp còn ký sinh ở tủy sống gây liệt (đã gặp ở Bệnh viện Việt Đức).
Ở da, cơ: Thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu... Biểu hiện là các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ nhỏ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lặn sâu trong cơ dưới da, màu da ở trên bình thường, bóp chặt có hiện tượng căng phồng của túi nước.
Nói chung bệnh nhân không thấy có triệu chứng gì đặc biệt mà do bệnh nhân sờ thấy. Tuy nhiên, trong các trường hợp nhiều kén bệnh nhân có thể cảm thấy mỏi hoặc có hiện tượng giật cơ...
Theo các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) thông tin trên VTV, bệnh kén sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có mức độ nguy hiểm rất cao, biểu hiện ban đầu của bệnh là nhức đầu liên tục, nhức cả vùng đầu và có tính chất lan sang nhiều vùng khác. Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những cơn động kinh nặng, nhẹ khác nhau.
Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần đề phòng nhiễm bệnh bằng những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm ấu trùng như giữ môi trường sống sạch sẽ; ăn uống hợp vệ sinh; Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh, thịt lợn tái, không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần... Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; Tẩy giun sán định kỳ.
Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ... hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.