Tại Đại hội châu Âu về Béo phì diễn ra ở Scotland đầu tháng 5, các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố gạo có thể giúp con người ngăn chặn béo phì.
Giáo sư Tomoko Imai từ Đại học Nghệ thuật Tự do Doshisha cho biết đã cùng đồng nghiệp xem xét lượng tiêu thụ gạo, calo và chỉ số khối cơ thể (BMI) ở 136 quốc gia. Kết quả cho thấy tại những nước dùng gạo làm lương thực chính, tỷ lệ béo phì có xu hướng thấp hơn.
Nhóm tác giả cũng tính toán rằng nếu người dân khắp thế giới ăn 50 g gạo mỗi ngày, tỷ lệ béo phì toàn cầu sẽ giảm 1%, từ 650 triệu còn 643,5 triệu trường hợp.
Lý giải nguyên nhân gạo ngăn béo phì, giáo sư Imai nhận định loại ngũ cốc này chứa ít chất béo. Ngoài ra, chất xơ cùng các dưỡng chất khác trong gạo cũng như nhiều ngũ cốc nguyên hạt làm tăng cảm giác no, hạn chế tình trạng ăn quá nhiều.
"Chế độ ăn dinh dưỡng theo kiểu Nhật Bản và châu Á với cơm là thành phần chính có thể phòng chống béo phì. Các nước phương Tây nên khuyến khích người dân ăn cơm để tránh béo phì", giáo sư Imai kết luận.
Trước đây, chế độ ăn ít carbohydrate hạn chế tinh bột bao gồm cơm được xem là phương pháp giảm béo phổ biến ở phương Tây. Tuy nhiên, thực tế, khoa học đến nay chưa chứng minh hệ quả gây thừa cân của gạo.