TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Các nghiên cứu cho thấy ăn chay giúp làm giảm nguy cơ đái tháo đường type 2, bệnh tim, nhiều loại ung thư và một số bệnh khác so với ăn thịt. Người ăn chay có khả năng ít bị béo phì hơn và BMI (chỉ số khối cơ thể) có xu hướng thấp hơn.
Tuy nhiên, chế độ ăn chỉ với thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nhất là khi "ăn chay trường", có thể dẫn đến thiếu một số thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó, người ăn chay nên lưu ý một số điều sau:
- Ăn ít nhất 5 phần các loại trái cây, rau quả mỗi ngày (mỗi phần tương đương 80 g).
- Thành phần carbohydrate có nguồn gốc từ gạo, bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, chiếm khoảng trên 1/3 lượng thức ăn. Ưu tiên chọn loại nguyên hạt.
- Sử dụng sữa, sản phẩm từ sữa hoặc các sản phẩm thay thế sữa (như nước uống đậu nành). Chọn các loại ít béo và ít đường.
- Sử dụng các loại đậu, trứng và các nguồn đạm khác.
- Chọn chất béo chưa bão hòa (như dầu thực vật, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạt cải) và ăn với lượng ít.
- Giảm số lượng và số lần ăn thực phẩm giàu béo, muối và đường.