Ngày 2/9, đường phố Sài Gòn rộng thênh thang, ít xe cộ qua lại. Các con cháu đưa nhau đi Thảo Cầm Viên chơi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chương phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM đẩy xe bánh xèo ra đường Lê Đức Thọ đổ bánh bán sớm.
Khách ăn xong quỵt tiền, bỏ con lại
11 giờ trưa, ông đẩy xe đựng chén bát, bàn ghế, bếp, củi đun ra chỗ bán. Theo sau chồng, bà Phạm Thị Luôn đẩy xe có nồi bột, nhân làm bánh, nước chấm bánh làm sẵn ở nhà.
Nhìn hai người già tóc muối tiêu, còng lưng đẩy xe, mồ hôi nhễ nhại, mấy người bán trái cây, bán báo dạo nói: ‘Lớn tuổi rồi mà ông bà ấy vẫn mê làm việc. Cuối năm ngoái, khách đến ăn bánh rồi bỏ con khoảng 3 tuổi lại. Ông bà ấy nuôi từ đó. Con bé giờ theo ông bà ấy lắm’.
Vợ chồng ông Chương cùng 66 tuổi. Trước đây, ông là giáo viên, bà mở quán bánh xèo lề đường bán. Khi nghỉ hưu, ông ra phụ vợ bán bánh xèo. Hằng ngày, bà đứng bếp đổ bánh, ông chạy lấy rau, bánh tráng, nước mắm cho khách. Khách ăn xong, ông dọn bàn, phụ vợ rửa chén đũa.
Ngày 22/12/2018, Sài Gòn đang mùa Giáng sinh, thời tiết se se lạnh, đường phố trang trí đẹp mắt, nhạc giáng sinh rộn ràng. Như thường lệ, ông Chương cùng vợ dọn hàng ra bán. Mùa Giáng sinh nên khách vào quán ông bà ăn nhiều hơn.
2 giờ chiều hôm đó, một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, cao khoảng 1m60, da ngăm đen, mặc bộ đồ hoa dẫn con gái khoảng 3 tuổi đến quán gọi 5 chiếc bánh xèo ăn. Ông Chương lấy rau, bánh tráng, nước chấm và trà đá cho khách trước. Khi bà Luôn vừa làm xong 5 cái bánh xèo nóng hổi, thơm phức, ông đưa ra bàn cho mẹ con người phụ nữ ăn. Xong ông đi phục vụ ở bàn khác. Còn bà Luôn lui cui ở bếp đổ hết đợt bánh này đến đợt bánh khác.
Ăn xong, người phụ nữ không trả tiền, lẳng lặng bỏ đi, để con gái lại. Bên cạnh bé gái là một túi xách cũ, bạc màu. Bên trong túi có hai bộ đồ của bé gái đã cũ. ‘Khách đông, vợ chồng tôi không để ý’, ông Chương nhớ lại.
Khi nhìn thấy bé gái ngồi một mình, không thấy người phụ nữ đâu, ông đến hỏi: ‘Mẹ con đâu rồi’. Nét mặt mệt mỏi, bé gái vừa nói vừa mếu: ‘Mẹ đi rồi’.
‘Cháu bé lúc đó thương lắm. Bị mẹ bỏ lại nhưng không khóc. Cháu cứ ngồi im ở ghế, không quậy phá. Hai chân cháu đầy thẹo, bụi đất và cứ chà vào nhau’, ông Chương nhớ lại lúc nhìn thấy bé gái.
Gọi bé gái là cháu nội
Căn nhà phố của vợ chồng ông Chương ở gần nhà thờ Giáo xứ Lạng Sơn. Nơi đây, từng có rất nhiều trẻ em bị người thân mang đến bỏ trước cổng rồi lẳng lặng rời đi. Từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng, ông Chương cùng vợ nghĩ, chắc bé gái đã bị mẹ bỏ rơi.
‘Người ta bỏ con như bỏ một món đồ vậy đó. Ít ra cũng có một lời nhắn để lại là con bao nhiêu tuổi, tên gì chứ. Đằng này, không có một cái gì cả’, ông Chương nói buồn.
Dù biết người phụ nữ kia đã bỏ con, bà Luôn vẫn nói chồng chờ đến tối, vì biết đâu, mẹ bé chỉ ‘gửi’ con đi công việc. Bà rửa mặt, tay chân cho bé, lấy nước cho bé uống, trái cây cho bé ăn rồi hai vợ chồng vừa làm, vừa thay nhau trò chuyện cho bé đỡ tủi.
Chờ đến chiều tối vẫn không thấy người phụ nữ kia đến đón con, bà Luôn cùng chồng quyết định mang về nhà nuôi, đặt tên là Nguyễn Ngọc Tường Vy, gọi là cháu, xưng là ông bà nội. ‘Con bé lanh lắm. Mặt, mũi, mắt rất đẹp, vậy mà bị mẹ bỏ’, bà Luôn nói.
Ông Chương cho biết, vợ chồng ông có hai cháu nội, ba cháu ngoại nên khi về nhà mới, có các anh chị chơi cùng, Tường Vy thích nghi nhanh. Điều ông thắc mắc là không hiểu sao, lúc nào bé cũng đưa hai chân chà vào nhau, miệng nói: ‘Con gián ông ơi. Con sợ lắm’. Hai ông bà phải mất một tuần để tập, giúp bé cai được tật xấu. ‘Chắc con bé sinh ra trong gia đình khó khăn, hoặc từng sống ở đường phố mới vậy’, ông Chương đặt nghi vấn.
Đến nay, Tường Vy đã sống với ông bà Chương được gần 1 năm. Em ngoan, lễ phép, nghe lời ông bà nội và các anh chị. Ông Chương cho biết, em rất thích đi học.
Từng là thầy giáo, tối nào ông cũng dạy chữ, nhận biết màu, đồ vật, con vật cho cháu. ‘Con bé nhanh lắm. Tôi chỉ dạy một lần là cháu nhớ’, giọng ông Chương hạnh phúc.
Gắng làm việc lo cho cháu ăn học
Ông Chương cho biết, do Tường Vy không có giấy khai sinh, vì thế, vừa rồi, vợ chồng ông phải cho bé học ở trường mẫu giáo tư, học phí mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Hiện, ông đang làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu cho Tường Vy để tới đây bé sẽ được học trường công và được hưởng các quyền lợi của trẻ em.
Con gái của ông Chương đang ở với ba mẹ. Chị và chồng không còn sống cùng nhau. Trong giấy khai sinh của Tường Vy, ông Chương nói, sẽ để con gái là mẹ bé.
‘Vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi, để cháu gọi ông bà sẽ hợp lý hơn’, ông Chương nói và cho biết, nhất định sẽ chăm sóc, yêu thương và lo cho Tường Vy một tương lai tốt.
‘Con bé rất nhanh và thông minh. Dù kinh tế không khá giả, nhưng tôi có lương hưu và quán bánh xèo mở hơn 21 năm nên đủ lo cho bé. Quan trọng, có sức khỏe là được’, giọng ông Chương lạc quan. Nghe chồng nói, bà Luôn cười hiền, đồng ý với chồng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Văn Minh, Chủ tịch UBND phường 16 xác nhận, vợ chồng ông Chương đã nuôi bé Tường Vy gần một năm qua. Sau hôm ‘nhặt’ được bé ở quán, sáng hôm sau ông đến ủy ban phường trình báo. Sự việc đã có sự chứng kiến của tổ trưởng khu phố và những người dân sống xung quanh.
Sau khi đăng thông báo không có ai đến nhận con, ủy ban phường thấy vợ chồng ông Chương đủ điều kiện nên đã tạo điều kiện để nuôi bé Tường Vy. ‘Hiện nay, chúng tôi đã tiếp nhận giấy tờ xin làm giấy khai sinh và nhập hộ khẩu cho bé Tường Vy của ông Chương. Chúng tôi đang xác minh để hoàn tất thủ tục cho bé Tường Vy được đi học và hưởng các quyền lợi của trẻ em’, ông Minh nói.