Sốt cao là một hiện tượng phổ biến ở trẻ em do cơ thể bé chưa điều chỉnh thân nhiệt tốt như người lớn. Sốt cao nếu không điều trị sớm có thể rất nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của bé.

Để đảm bảo sức khỏe cho con, mẹ cần phải trang bị các kiến thức về cách nhận biết, nguyên nhân cũng như cách xử lý khi trẻ bị sốt cao.

1. Dấu hiệu trẻ bị sốt cao

Sốt cao có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Thân nhiệt của trẻ em bình thường nằm trong ngưỡng 36,5 - 37,5 độ C. Khi nhiệt độ cơ thể bé tăng lên 38 độ C nghĩa là bé đang bị sốt. Với sốt nhẹ từ 38-38 độ C thì cơ thể bé có thể tự điều chỉnh để hồi phục. Tuy nhiên, trong các trường hợp trẻ bị sốt cao từ 39 - 40 độ C thì bé có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, co giật, rối loạn thần kinh, thiếu oxy não, các tế bào thần kinh bị tổn thương.

Nếu để lâu, sốt cao có thể dẫn tới hôn mê, thậm chí là tử vong. Vì vậy mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để được chữa trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc về sau.

 Khi bị sốt cao bé sẽ có các dấu hiệu như sau:

- Bé quấy khóc hay nổi cáu.

- Mệt mỏi.

- Thở gấp.

- Ngủ lơ mơ.

- Nhiệt độ cơ thể tăng cao.

2. Nguyên nhân trẻ bị sốt cao

Trẻ bị sốt cao thường do hai nguyên nhân phổ biến sau đây:

- Sốt do nhiễm trùng

Sốt siêu vi là một trong những nguyên nhân chính gây sốt ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể tự khỏi sau một tuần. Sốt siêu vi có nhiều loại khác nhau nhưng nguy hiểm nhất là sốt xuất huyết, sởi, cúm, thủy đậu và tay chân miệng.

Ngoài ra, có thể trẻ bị sốt cao do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như: Viêm tai giữa, viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Các bệnh do nhiễm trùng đường tiêu hóa như tả, kiết lị, thương hàn, hay nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não, hay nhiễm trùng máu cũng có khả năng gây sốt cao.

- Sốt không do nhiễm trùng

Nhiệt độ cơ thể bé có thể tăng cao khi được ủ ấm quá mức. Tiêm chủng, mọc răng cũng có thể gây sốt. 

3. Xử lý đúng cách khi trẻ bị sốt cao

Khi trẻ bị sốt cao, mẹ nên đưa con đi đến cơ sở y tế để có thể tìm đúng nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm.

Ngoài ra mẹ cũng có thể thực hiện các phương pháp sau để hạ sốt cho con:

Mẹ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé. (Ảnh minh họa)

 - Mẹ nên cho bé nằm ở nơi thoáng khí, không có gió lùa và tránh nhiều người trong phòng. Quần áo của bé cần rộng rãi, thoải mái, đặc biệt là vùng cổ.

- Mẹ có thể dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt khô rồi chườm khắp cơ thể bé, đặc biệt là vùng bẹnh, nách, cổ và trán để giúp hạ sốt. Mẹ theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên. Nếu nhiệt độ cơ thể bé tăng thì mẹ lại tiếp tục chườm ấm cho bé.

- Đối với trẻ sốt cao, co giật không sử dụng được thuốc hạ sốt mẹ có thể đặt thuốc hạ sốt bằng đường hậu môn cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Đối với các bé sốt cao tốt nhất mẹ nên đưa bé đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. 

4. Những việc cần tránh khi trẻ bị sốt cao

Mẹ nên lưu ý không làm những điều sau khi trẻ bị sốt cao:

- Mẹ không chườm lạnh cho bé vì có thể gây sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

- Mẹ không ghì chặt bé vì có thể gây tổn thương các bộ phận trên cơ thể bé hoặc gãy xương.

- Không mặc nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn cho bé vì sẽ khiến nhiệt độ cơ thể bé tăng cao.