Lần đầu tôi phát hiện tính ấy của anh là khi anh tham gia cuộc trò chuyện của họ hàng nhà tôi. Khi ấy, công ty của cậu tôi gặp khó, không thể xuất khẩu hàng hóa, vì không rành chính sách. Cậu gọi vợ chồng tôi tới xin tư vấn. Thế là suốt cuộc trò chuyện đầy nhiệt tình đó, tôi nhận ra anh luôn điều hướng mọi thông tin theo kiểu “anh từng có kinh nghiệm", “anh đã giải quyết chuyện này cho bên A, bên B”, “thời anh làm mọi thứ còn khó hơn”.

Nói tóm lại, cũng là giúp đỡ, đưa phương án, nhưng cách chia sẻ của anh khiến mọi người buộc phải nhìn anh cao hơn 3 bậc so với câu chuyện lúc đó. Anh đưa rất nhiều thông tin thừa chỉ để nâng mình lên, tôi nghe mà… phát sốt.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Sau lần đó, tôi thấy “gai gai" và hỏi chồng, mắc mớ gì đang tư vấn chuyện A mà anh phải lôi những chuyện B, C từ thời tám hoánh của anh ra để kể. Anh cười, nói: thì trong mạch nói nên anh nói vậy thôi. Thấy anh có vẻ ngượng nghịu, tôi cũng… hả dạ, tôi tạm tha.

Lần thứ hai là khi tôi nghe anh gọi điện thoại cho người bạn sắp từ Hà Nội bay vào TPHCM công tác. Anh gọi để xác định giờ đón và thông báo khách sạn mà anh đã thuê cho bạn. Thế nhưng suốt cuộc điện thoại, anh cứ khoe mình đã chu đáo thế nào, đã tính toán giỏi ra sao, đã đoán biết lịch trình của bạn và sắp xếp mọi thứ hợp lý thế nào. Nghe rất là… sốt ruột. Đây chính là sự tinh vi mà tôi ghét nhất ở đàn ông - kiểu luôn nâng mình lên trong mọi tình huống, nhưng lại thể hiện tinh vi như một câu chuyện vô tư.

Lúc anh cúp máy, tôi hất mặt nói: “Anh tốn gấp 3 thời gian cần thiết cho một cuộc điện thoại đó”. Không biết anh hiểu ý tôi không mà lại cười xuề xòa, nói: “Vợ khó tính phát ốm”.

Cũng từ lần thứ hai này, tôi nhận ra lý do khiến tôi không nhận ra tính tinh vi của chồng khi còn yêu nhau; bởi anh quá nổi bật ở sự tốt bụng, nhiệt tình và giỏi thu xếp, tính toán. Anh luôn “hiện ra” khi mọi người cần giúp đỡ và lúc nào cũng vào vai “trùm cuối”, xử lý hết mọi ca khó.

Anh có một lịch sử làm việc khá “khủng” - từng kinh qua nhiều công ty, có đến 3-4 lĩnh vực quan trọng và đặc thù - những lĩnh vực mà ai cũng có lúc cần đến nhưng ít ai có kiến thức sâu. Ví dụ như luật pháp, xuất nhập khẩu và cả kinh nghiệm làm việc với các cơ quan hành chính. Thế nên từ bạn bè cho đến họ hàng của tôi, ai cũng từng nhờ vả vào năng lực lẫn mối quan hệ của anh.Tôi đã quen với việc anh tài giỏi và lợi thế hơn người, nên không nhận ra sự tinh vi ở anh.

Để rồi, giai đoạn đầu hôn nhân, tôi thực sự sốc. Chuyện chẳng có gì nặng nề hơn những ví dụ tôi vừa kể trên kia, nhưng nếu bạn hiểu cảm giác “dị ứng” với một điều gì đó, bạn sẽ hiểu sự “tụt mood” của tôi khi nhận ra tính xấu của chồng. Lạ một điều, anh vốn đã có vị thế trong lòng mọi người, ai cũng hết lòng biết ơn, khen ngợi anh, thế nhưng với mọi người, anh vẫn luôn “cài cắm” những ý tứ chứng tỏ anh giỏi, anh biết tuốt, anh tốt bụng, anh đã hỗ trợ người ta ra sao.

Thậm chí với cả chị bán trái cây bên đường, anh cũng ra vẻ hiểu biết. Thay vì hỏi “trái lựu này nhập từ đâu”, anh sẽ nói “ngày xưa anh toàn làm tờ khai cho mấy doanh nghiệp nhập lựu này từ Trung Quốc về”.

Mỗi lần chứng kiến điều đó (thực tế là tôi chứng kiến mỗi ngày), tôi lại thấy khó chịu hơn một chút. Cảm giác coi thường và ngấm ngầm hình thành tâm lý chống đối, bất hợp tác, thậm chí thấy bế tắc vì nghĩ mình không thể sống cùng con người này. Đây có thể nói là “khủng hoảng hôn nhân” của tôi. Đến lúc cảm xúc tiêu cực lên đến đỉnh điểm, tôi hẹn anh ra nói chuyện.

Đêm đó, chúng tôi ăn tối ở một nhà hàng khá lãng mạn. Tôi đã “nhá trước” trong tin nhắn hẹn gặp là tôi có cảm xúc tiêu cực cần chia sẻ. Khi tôi nói ra những gì khiến tôi khó chịu về anh, tưởng chừng anh sẽ tự ái và đẩy sự việc đi xa hơn. Chẳng ngờ, vừa nghe xong, anh cười xòa, đưa tay xoa đầu tôi. Anh hỏi: “Em có biết vì sao em nhìn thấy sự tinh vi rất… tinh vi của anh không?”. Tôi lắc đầu. Anh nói: “Tại vì em cũng rất tinh vi”.

Ảnh mang tính minh họa - Master1305

Nói đến đó, anh phì cười và gần như không thể nói tiếp vì cơn cười không ngớt. Anh nhìn tôi vẻ rất bao dung, người lớn, nói như trêu: “Anh xấu tính một chút cũng được chứ, sao em khắt khe quá vậy. Khắt khe cũng là một tính xấu đó”.

Lòng tôi chợt nhẹ như vừa được nhấc một tảng đá đi. Tôi chợt thấy mọi sự khó chịu, bế tắc trước đó tan biến mất. “Xấu tính một chút” thì có sao? Anh có hàng trăm tính tốt, sao tôi lại xấu tính đến mức đi soi một tính xấu nhỏ xíu như vậy và tự bồi đắp cho trầm trọng lên? Trong khi, tính xấu ấy vốn vô hại, chỉ có sự soi xét của tôi là suýt nữa xé toạc cuộc hôn nhân này.

Sau kinh nghiệm đó, tôi luôn tập nghĩ rộng ra, tập nhìn mọi thứ trong một bối cảnh rộng và tránh sa vào bồi đắp những thông tin tiêu cực. Cuối cùng thì “khủng hoảng hôn nhân” lại cho tôi kinh nghiệm để giữ lửa hôn nhân.