Đồ uống quá nóng

Những tưởng uống đồ nóng sẽ tốt hơn so với nước lạnh. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm nếu uống sai cách. Bởi lẽ, niêm mạc thực quản của chúng ta rất mỏng manh nên việc ống nước quá nóng có thể làm tổn thương chúng.

Theo đó, khi uống nước nóng trong thời gian dài, các tế bào niêm mạc sẽ dày lên để chống lại sự "tấn công" của nước nóng, khiến chúng càng ngày càng ít nhạy cảm. Sự phát triển bất thường của các tế bào lâu dần sẽ dẫn tới ung thư.

Năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế - cơ quan nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã phân loại uống đồ uống rất nóng trên 65 độ C là một chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư thực quản.

Theo kết quả nghiên cứu, uống nước quá nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Cụ thể, vượt quá ngưỡng 65 độ C, dù là nước lọc thông thường, trà, sữa, cà phê hay thực phẩm nóng đều có nguy cơ gây ra ung thư thực quản. 

Cũng theo tác giả chính - tiến sĩ Farhad Islam thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết nhiều người thích uống trà, cà phê hoặc đồ uống nóng khác có thể làm hỏng tế bào màng nhầy của miệng và dạ dày.

"Khi bạn uống trà, hãy để trà nguội một chút trước khi uống hoặc thêm sữa lạnh, bạn sẽ không bị tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản", ông khuyên.

Chúng ta nên làm nguội bớt thực phẩm trước khi ăn uống.
 

Rượu, đồ uống có cồn

Các nhà khoa học trên thế giới đều đồng thuận mạnh về việc uống rượu gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê acetaldehyd (có liên quan đến việc uống rượu) vào nhóm 120 chất gây ung thư hàng đầu.
Bia rượu là chất kích thích dễ gây ung thư

Rượu và chất chuyển hóa acetaldehyd có thể khiến các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh bị đột biến vĩnh viễn, không thể khắc phục. Uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương ADN ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên. Do đó, việc thường xuyên uống rượu có thể dẫn đến ung thư thực quản, ung thư miệng, đồng thời còn gây ra ung thư dạ dày.

Khi uống quá chén, sức thải qua gan của cơ thể sẽ hạn chế rất nhiều. Gan càng làm việc nhiều, nguy cơ ung thư gan, xơ gan càng tăng. Bên cạnh đó, sử dụng rượu còn có thể làm tăng nồng độ estrogen - hormone quan trọng trong việc phát triển nhu mô tuyến vú. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị mắc ung thư vú.

Theo Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ: Một đơn vị cồn bằng 10g cồn nguyên chất. Mức này tương đương với 3/4 chai bia 330ml (nồng độ 5%), một ly rượu vang 100 ml (nồng độ 13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30ml (nồng độ 40%).

Do đó, theo khuyến cáo, uống rượu trung bình là khi uống không quá 2 đơn vị rượu /ngày với nam giới và không quá 1 đơn vị /ngày với nữ giới. Uống rượu nhiều là khi uống trên 4 đơn vị rượu/ngày với nam giới và trên 3 đơn vị/ngày với nữ giới.

Có một số người cho rằng uống rượu ít hoặc trung bình và điều độ làm tăng sức khỏe đặc biệt là tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có số liệu cho thấy lợi ích của của uống bia rượu điều độ có lợi cho sức khỏe.

Mặt khác, một số quan niệm cho rằng rượu vang đỏ có lợi cho sức khỏe do có chứa lượng chất chống oxy hóa cao. Tuy nhiên, nó vẫn chứa ethanol. Chất này chính là tác nhân gây ung thư trong các đồ uống có cồn.

Khi uống bia rượu, chỉ sau 5 phút đã có tác động lên não làm tăng tiết dopamin giúp cho cơ thể khoan khoái dễ chịu và có phần hưng phấn quên hết mệt nhọc. Đây là lý do nhiều người thích uống bia, rượu. Tuy vậy, những ai đã uống hoặc thích uống loại thức uống này cần hiểu rõ về nó.