M và chồng lấy nhau 3 năm trước, nhưng chỉ có 1 năm đầu sau khi kết hôn là sống hạnh phúc, yên bình. M vô cùng nhớ khoảng thời gian đó. Ngày ngày chúng M đi làm, về nhà nấu cơm, dọn dẹp, thậm chí cuối tuần còn tranh thủ lên phố chơi. Kinh tế gia đình rất ổn, chẳng phải lo nghĩ gì. Căn nhà mà chúng M mua trả góp, cả hai vợ chồng đều tự tin có thể trả trong vòng 7 hoặc 8 năm.

Ảnh minh họa

Hai bên gia đình nội ngoại cũng góp sức nhiều để cuộc sống của hai con sớm ổn định. Tuy cả bên nội lẫn bên ngoại chẳng quá khá giả, nhưng ông bà vẫn dành sự yêu thương nhiều nhất có thể. Điều đó giúp vợ chồng M rất nhiều về mặt tinh thần. Cứ tưởng rằng cuộc sống từ đây sẽ tiến triển theo chiều hướng tích cực. Vậy mà biến cố ập đến quá nhanh, M không thể nào thích ứng nổi.

Vì sai phạm nghiêm trọng trong công việc, chồng M phải bồi thường một khoản tiền lên tới hơn 100 triệu đồng. Đã nợ nhiều tiền, giờ còn phải gánh thêm khoản đó nữa. Chồng M cũng bị công ty cho nghỉ việc. Anh đi tìm việc mới trong ngành rất khó bởi nhân sự của vài công ty khác đã biết quá khứ của anh. Chỉ là chồng M sơ suất một chút, thế mà bao nhiêu thứ lỡ dở. Anh ấy đành phải làm các công việc tự do, trái chuyên môn một chút để kiếm ra tiền. Vợ chồng M lâm vào cảnh khủng hoảng.

M cứ điên cuồng làm việc, mong muốn sẽ đỡ được phần nào cho chồng. Nhưng sức người có hạn, cũng đến lúc M phải áp lực và mệt mỏi. Thi thoảng, M than vãn với chồng, chỉ mong anh hiểu, hoặc thậm chí một cái ôm thôi là đủ. Đằng này, hễ nói về tiền nong, chồng M sẽ bày tỏ sự tự ti. Anh hay nói kiểu "Lỗi tại anh hết, là do anh bất tài vô dụng. Giờ em đi lấy người khác còn kịp đấy".

Sau này, M cũng hạn chế than vãn, cố nén mọi áp lực vào trong. Hễ kể ra, chồng M càu nhàu khiến M rất mệt mỏi. Khi chồng M làm công việc tự do, thu nhập của anh giảm đáng kể. Cũng từ đó, anh sống thiếu mục tiêu, chẳng còn chí tiến thủ. Hàng tháng anh đưa M vỏn vẹn 6 triệu và cho rằng như vậy là đủ. M có nói với chồng là sốc lại tinh thần để kiếm nhiều hơn, vậy mà anh bỏ ngoài tai, thay vào đó, chồng còn bảo tiết kiệm đi, đừng chi tiêu hoang phí nữa.

Đúng thật là chồng M dần dần tiết kiệm thấy rõ, song theo chiều hướng tiêu cực và bảo thủ. Ti vi anh không dám bật, điện thoại không dám sạc nhiều lần. Thậm chí quần áo chẳng dùng tới máy mà anh ở nhà tự giặt tay. Đó không phải hình ảnh người chồng mà M muốn thấy. M muốn anh mạnh mẽ hơn vượt qua cú sốc, và tháo vát, nhanh nhẹn hơn.

Giọt nước cuối cùng cũng tới ngày tràn ly. Hôm ấy M đi làm về, chứng kiến chồng làm một việc mà bản thân tức nghẹn. Từ công ty về, trải qua đoạn đường tắc, M chỉ mong nhà cửa sạch sẽ. Thế mà vừa mới mở cửa ra, đã ngửi thấy mùi tanh ngòm. Chồng M đang cặm cụi lau nhà. Bình thường nếu là M lau nhà, sàn lúc nào cũng thơm tho, nhà cửa thoáng mát.

Hỏi chồng vì sao mùi lại tanh đến thế, anh hồn nhiên trả lời: "Thì dùng nước của hôm qua lau lại. Nhà luôn sạch, tiết kiệm nước có sao đâu, anh cũng chẳng dùng thêm nước lau sàn đâu. Vả lại, mới lau nên vậy, lát mở cửa ra thoáng khí là hết ngay".

Ảnh minh họa

Nói xong, chồng M tiếp tục lau nhà, anh chẳng màng gì đến tâm trạng mệt mỏi của vợ khi đi làm về. M quá bẽ bàng trước câu đáp này. Sau đó M vội chạy vào phòng ngủ, đóng cửa lại rồi nước mắt cứ thế tuôn. Chồng M ra nông nỗi này là vì đâu, anh ấy không còn giống với người đàn ông M vẫn thương yêu suốt bao năm qua. M định là nói chuyện này với bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ. Hai bên nội ngoại vẫn chưa biết chồng M suy nghĩ kỳ cục như thế. Mà sợ chồng M tự ái rồi lại gào ầm lên. Có khi nào, chúng M đã thực sự hết duyên và chẳng thể ở cạnh nhau nữa sao?