Theo thông tin ban đầu, ngày 19/1, một nữ sinh của lớp 7A3 trường THCS Long Hòa, Phú Tân (An Giang) do thầy Lê Trường Thọ, giáo viên dạy môn Âm nhạc làm chủ nhiệm không thuộc bài nên bị thầy la mắng. Sau đó, em này xin từ chức tổ trưởng môn Địa, bị thầy Thọ gọi lên bảng đứng chịu phạt 100 roi.

Trường học nơi xảy ra vụ việc

Cô bé bị bắt đứng vào vòng tròn. Bị khoảng 10 roi, nữ sinh đau và khóc. Thấy vậy, nhiều bạn trong lớp tình nguyện lên chịu đòn thay.

Bị đánh xong, nữ sinh về nhà không dám nói với cha mẹ và đi học bình thường. Một tháng sau, em bị đau nên nói với gia đình và được đưa khám tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Sau khi chụp X-quang, theo kết quả trong sổ khám bệnh, nữ sinh bị vẹo cột sống, được bác sĩ kê toa thuốc về nhà uống.

Lãnh đạo trường cho biết, các học sinh bị đánh khoảng 30 roi: "Việc học sinh bị đánh đến vẹo cột sống thì phải xác minh lại. Bởi, vẹo cột sống là một quá trình, có khi các em ngồi học không đúng tư thế cũng sẽ bị như vậy. Em ấy bị đánh vào mông, nếu bị mẻ hoặc gãy xương thì hợp lý hơn".

Ngày 25/2, Hiệu trưởng trường THCS Long Hòa cho biết đã đình chỉ công tác 15 ngày đối với thầy Lê Trường Thọ để xử lý việc dùng thước gỗ đánh học sinh.

Theo xác minh của nhà trường, trong quá trình dạy học, thầy Thọ có đặt ra quy định, học sinh nào không thuộc bài, không làm bài, hoặc chửi thề, nói tục... sẽ bị đánh. Đặc biệt, các cán bộ lớp xin "từ chức" thì hình phạt nặng hơn.

Hình ảnh người bị vẹo cột sống - Ảnh minh họa: Internet

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh vẹo cột sống và việc đánh roi có gây vẹo cột sống được không, phóng viên Phụ nữ Sức khỏe đã lấy ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Cột sống, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Theo đó, vẹo cột sống (VCS) là một rối loạn cong cột sống bất thường do biến dạng 3 chiều của cột sống và lồng ngực. Có 2 loại VCS: Vẹo không cấu trúc, thường gọi là vẹo tư thế hay vẹo chức năng, đốt sống lệch sang bên nhưng không xoay và vẹo biến mất khi bệnh nhân cúi xuống. Vẹo cấu trúc: đốt sống không chỉ lệch sang bên nhưng còn xoay và vẹo không biến mất khi bệnh nhân cúi xuống.

VCS được định nghĩa dựa trên góc Cobb trên phim cột sống thẳng, tư thế đứng: Góc Cobb < 100 gọi là thân mất cân xứng. Góc Cobb > 100 gọi là VCS cấu trúc. Vẹo cấu trúc cần theo dõi đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. VCS cấu trúc chiếm tỉ lệ 2% dân số nhưng chỉ có 0,3% cần điều trị. VCS >30O, tỉ lệ nữ:nam là 7:1. VCS cấu trúc do nhiều nguyên nhân: Vô căn (80%); Bẩm sinh do dị tật đốt sống hay cột sống (10%), Bệnh lý thần kinh-cơ (bại não, gai đôi cột sống, bại liệt…), Các hội chứng (Marfan, đa u sợi thần kinh, tạo xương bất toàn…), rối loạn chuyển hóa (hội chứng Hunter…), Các nguyên nhân khác (chấn thương, nhiễm trùng, bướu…)

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân chấn thương gây VCS là có thể xảy ra, nhưng đó phải là một chấn thương mạnh, thông thường có thể có gãy cột sống, sau đó gây lệch trục cột sống dẫn đến gù, vẹo. Loại VCS vô căn đối với người trên 10 tuổi là loại phổ biến nhất của bệnh VCS.