Qua vụ việc một số doanh nghiệp gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống bán lẻ và nhà phân phối, nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề về quy trình đưa hành hóa vào siêu thị ra sao để lọt những hàng hóa “biến hình” này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, một mặt hàng nào khi vào siêu thị cũng đều phải đảm bảo đúng các yêu cầu về quản lý hàng hóa về chất lượng theo từng lĩnh vực ngành nghề quản lý.

Như là, phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Sản phẩm phải thể hiện rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng…

Theo vị đại diện, mỗi siêu thị sẽ có những quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau. Ngoài ra, siêu thị cũng sẽ buộc doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống của mình tự cam kết đảm bảo công bố hàng hóa, và phải chịu trách nhiệm với công bố đó.

Về mặt quản lý, vị này cho biết, một số đơn vị Nhà nước cũng phải thường xuyên đi lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, không thể nào đi kiểm tra hết các cơ sở nhập hàng.

“Do đó, việc kiểm soát hàng hóa cần được siết chặt bằng cách ứng dụng công nghệ số nhiều hơn ở khâu hậu kiểm. Đơn cử như Trung Quốc, họ giám sát các nhà cung cấp bằng cách lắp camera theo dõi trực tuyến. Đó cũng là bài học cho giám sát của các cơ quản quản lý chúng ta”, đại diện Vụ này cho hay.

Còn phía Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản - đơn vị quản lý chất lượng về tiêu chuẩn hàng nông nghiệp (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, qua vụ việc trên, Cục đã có công văn gửi Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc điều tra, xác minh.

Mỗi siêu thị sẽ có những quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau.

Để ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm nêu trên, Nafiqad đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.

Lưu ý kết hợp kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa trong các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.

Ngoài ra, Nafiqad yêu cầu các cơ quan quản lý tổ chức thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi phát hiện vi phạm cần tổ chức điều tra, truy xuất, thu hồi, xử lý hàng hóa vi phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Còn về việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các Đội QLTT về việc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.