Viêm tuyến vú ở phụ nữ sau sinh: Nỗi niềm của những chị em nuôi con bằng sữa mẹ
Nội dung bài viết:
- Thế nào là viêm tuyến vú?
- Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến vú
- Dấu hiệu viêm tuyến vú là gì?
- Yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì?
- Chẩn đoán bệnh viêm tuyến vú
- Xử lý viêm tuyến vú như thế nào?
- Một số liệu pháp thiên nhiên cải thiện viêm tuyến vú
- Viêm tuyến vú có cho con bú được không?
- Lưu ý trong chế độ sinh hoạt khi bị viêm tuyến vú
- Phòng ngừa viêm tuyến vú như thế nào?
Thế nào là viêm tuyến vú?
Bệnh viêm tuyến vú (viêm tuyến sữa) là tình trạng viêm nhiễm tại một hay nhiều ống dẫn sữa, thường gặp nhất là viêm tuyến vú khi cho con bú. Bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến vú
Các nguyên nhân viêm tuyến vú có thể là:
- Bệnh nhân cho con bú sai kỹ thuật dẫn đến sữa bị mắc kẹt trong vú gây ra viêm nhiễm.
- Ống dẫn sữa bị tắc làm cho sữa chảy ngược vào trong vú, từ đó dẫn đến viêm nhiễm.
- Vi khuẩn từ mũi và miệng của trẻ thông qua những vết nứt ở núm vú hoặc qua tuyến sữa khi cho bú xâm nhập vào vú.
- Thời gian giữa những lần cho con bú quá giãn cách.
- Mặc áo lót quá chật.
- Mẹ chỉ cho con bú một bên.
- Có tiền sử bệnh viêm tuyến vú.
Dấu hiệu viêm tuyến vú là gì?
Viêm tuyến vú thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú và các triệu chứng thường diễn tiến rất nhanh chóng. Các biểu hiện của bệnh này bao gồm:
- Xuất hiện một vùng đỏ, sưng đau trên vú, chạm vào có thể cảm thấy nóng.
- Xuất hiện một vùng cứng hoặc khối u trên vú.
- Các cơn đau có thể liên tục hoặc chỉ xảy ra khi cho con bú.
- Núm vú có thể tiết dịch, dịch này có thể có màu trắng hoặc có vệt máu.
- Các triệu chứng khác giống như cúm: đau nhức cơ, sốt tăng thân nhiệt kèm ớn lạnh và mệt mỏi là những biểu hiện mà người mẹ cũng có thể gặp.
- Xuất hiện ổ áp xe, áp xe vú có thể là biến chứng của viêm tuyến vú.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì?
Phụ nữ đang cho con bú là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tuyến vú nhất. Thông thường, viêm tuyến vú sẽ xảy ra trong vòng 06 đến 12 tuần đầu tiên sau khi sinh, cũng có thể xảy ra trong quá trình cho con bú. Các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến vú bao gồm:
- Thường xuyên cho con bú trong tuần đầu sau sinh.
- Vú bị loét hoặc nứt.
- Không thay đổi tư thế khi cho con bú khiến sữa không thể chảy ra hết được.
- Có tiền sử mắc bệnh viêm tuyến vú trước đó.
- Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng kéo dài trong thời kỳ chăm con.
- Mắc bệnh đái tháo đường, nhất là trong khi mang thai.
Chẩn đoán bệnh viêm tuyến vú
Hỏi bệnh, dựa trên những triệu chứng và khám lâm sàng cẩn thận
Xét nghiệm máu kiểm tra tuyến sữa hoặc lấy mẫu mô ở miệng trẻ để chẩn đoán.
Khi các dấu hiệu của bệnh không mất đi ngay khi sử dụng kháng sinh, có thể phải làm thêm sinh thiết (một thủ thuật lấy ra một mô nhỏ ở vú để xét nghiệm qua kính hiển vi) để chắc chắn không bị ung thư vú.
Xử lý viêm tuyến vú như thế nào?
Làm sao hết viêm tuyến vú là thắc mắc của nhiều phụ nữ, nhất là khi đang trong giai đoạn cho con bú. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: bệnh nhân thường được chỉ định thuốc kháng sinh trong 10 đến 14 ngày khi được chẩn đoán đang bị viêm tuyến vú.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt như ibuprofen và paracetamol được kê để làm giảm các cơn đau hoặc hạ sốt nếu có.
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước để giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng tuyến vú.
- Hạn chế mặc quần áo bó sát, bao gồm cả áo lót cho đến khi các triệu chứng viêm tuyến vú được cải thiện.
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh đều có tác dụng giảm đau. Lấy một túi nước nóng, dùng khăn mỏng quấn quanh túi, rồi áp lên vùng ngực bị đau trong khoảng 10 phút. Sau đó lấy bịch chườm nóng ra và dùng bịch chườm lạnh đắp lên. Sau 5 phút thì lấy bịch chườm lạnh ra. Làm điều này 4 - 5 lần, giúp giảm sưng, viêm và đau.
- Nếu ngực chứa nhiều sữa, bạn nên bơm hoặc vắt ra một ít trước trước khi cho bú. Điều này làm giảm căng tức và giúp trẻ dễ bú hơn.
- Nếu tình trạng mệt mỏi và sốt cao không giảm có thể là do xuất hiện ổ áp xe (hình thành mủ) trong vú. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được phẫu thuật rút mủ ngay lập tức.
Một số liệu pháp thiên nhiên cải thiện viêm tuyến vú
Tỏi
Tỏi chứa nhiều thành phần như thuốc kháng sinh, giúp chống lại vi khuẩn. Ăn 2 tép tỏi sống vào buổi sáng lúc bụng đói giúp đẩy lùi chứng đau nhức, viêm tuyến vú.
Nha đam
Lấy một nhánh lô hội, cắt ra để lấy gel, sau đó thoa lên vùng bị đau. Một khi hỗn hợp này khô thì rửa sạch với nước ấm và vỗ về cho khô. Làm cách này 2 - 3 lần mỗi ngày có tác dụng giảm viêm và đau nhức do viêm nhiễm các mô vú gây ra.
Giấm táo
Giấm táo có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Chuẩn bị một ly nước, hòa thêm một muỗng giấm táo nguyên chất và một chút mật ong, sau đó uống 2 - 3 lần mỗi ngày.
Bắp cải
Hợp chất lưu huỳnh có trong bắp cải giúp giảm viêm vú. Lấy vài lá bắp cải đặt trong tủ lạnh một thời gian.
Sau đó, lấy ra khỏi tủ lạnh và đắp ở trên vú bị đau. Đắp từng lá một, thấy lá hết lạnh thì thay thế bằng lá khác. Thực hiện cách này vài lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng giảm dần.
Viêm tuyến vú có cho con bú được không?
Nuôi con bằng sữa mẹ khi bị viêm tuyến vú, ngay cả khi bị nhiễm trùng, chẳng những không gây hại cho em bé mà còn có thể giúp cải thiện các triệu chứng của mẹ.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ nên cho con bú ở bên không bị viêm và cách lấy sữa ra khỏi bên vú bị viêm. Vắt sữa ra khỏi vú đúng cách có thể ngăn chặn vi khuẩn tập hợp trong vú và giúp giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm.
Lưu ý trong chế độ sinh hoạt khi bị viêm tuyến vú
Để kiểm soát tình trạng bệnh có thể thông qua việc lưu ý vài điều sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.
- Chú ý giữ vệ sinh khi cho con bú. Tránh những tác nhân gây khô nứt da, luôn rửa tay sạch và giữ vệ sinh núm vú.
- Uống nhiều nước, tránh để mất nước.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và có chế độ ăn phù hợp khi đang cho con bú. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bà mẹ kiệt sức.
- Cho bú ở bên vú không viêm nhiễm và lấy hết sữa ra khỏi 2 vú theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng ngừa viêm tuyến vú như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh viêm tuyến vú, chị em có thể kể đến một số biện pháp sau:
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
- Giữ vệ sinh khi cho con bú để hạn chế tác nhân gây khô nứt da.
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Dùng miếng bảo vệ đầu vú trong trường hợp đầu vú bị nứt.
Qua bài viết trên, các chị em phụ nữ sau sinh có thể nắm được một số biểu hiện của viêm tuyến vú để phát hiện bệnh kịp thời, điều trị đúng cách, giúp hạn chế được những biến chứng. Đồng thời, chị em cần chú ý đến chế độ sinh hoạt cũng như cách phòng tránh bệnh viêm tuyến vú.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.