Sách mới đẹp và chất lượng hơn

Cuộc sống khó khăn bởi bão giá lại thêm việc tăng giá thành của SGK khiến phụ huynh thêm nặng gánh nhưng không vì thế mà họ để con thiếu sách học. Hầu hết các gia đình đều cố gắng mua cho con đầy đủ bộ sách theo yêu cầu của nhà trường tương ứng với từng năm học.

SGK mới loại biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính (Ảnh minh họa)

“Tôi hiểu SGK là một loại hàng hóa đặc biệt nên việc tăng giá cũng là theo quy luật thị trường nói chung. Người dân thì không muốn cái gì tăng giá vì cuộc sống khó khăn mà thu nhập quá eo hẹp. Tuy nhiên, dù có tốn nhiều tiền hơn để mua sách thì tôi cũng nghĩ đến những mặt tích cực do bộ sách mới mang lại; sách sẽ theo con trọn một năm học và những kiến thức thu nhận được thực sự là vô giá..."- anh Hà Công Hùng, phụ huynh tại huyện Đan Phượng chia sẻ.

Những năm học gần đây, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 triển khai với lớp 1, lớp 2, lớp 6, nhiều bậc phụ huynh đều thấy bộ sách có nhiều đổi mới từ nội dung đến hình thức so với sách cũ. Về cảm quan, dễ dàng nhận thấy sách có chất liệu giấy đẹp, bóng, trắng sáng, các tranh ảnh bắt mắt, phù hợp với nội dung bài học và khổ giấy cũng to, rộng hơn. “Nhìn cuốn sách mới rõ ràng là đẹp, bắt mắt, hiện đại hơn nên người học cũng háo hức, tăng hứng thú học mỗi lần mở sách”- chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại quận Thanh Xuân nhận xét.

Đồng ý quan điểm trên, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên lớp 2, tại quận Cầu Giấy chia sẻ: SGK mới sinh động, hấp dẫn và thẩm mỹ hơn sách cũ. Khi học theo chương trình GDPT 2018, cả cô và trò cùng bị cuốn vào bài học, học sinh cũng khá thích thú với sách mới.

Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cung cấp một số thông tin xung quanh việc SGK tăng giá. Theo Bộ trưởng, khi so sánh giá sách cần so sánh tương đồng, tức là so sánh các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình GDPT 2018 với nhau.

Ví dụ sách mới cho lớp 1, 2, 3, 7, 10 tức là một hệ thống biên soạn mới xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội với nhiều bộ sách, các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các DN đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

“Giá đó, nếu các bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá phát hành sách năm nay của Nhà xuất bản Giáo dục là giảm được từ 10 - 15% so với các sách tương ứng của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên. Còn nếu so với các bộ sách cũ của chương trình GDPT 2006 thì đấy là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định, với khổ nhỏ hơn, giấy xấu. Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì khác nhau nhưng so với sách của chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Nâng cao ý thức giữ gìn sách

Theo chương trình GDPT 2018, sẽ có nhiều bộ sách cùng song song tồn tại. Học sinh sẽ sử dụng SGK theo chương trình của trường mình và các trường khác nhau có thể sử dụng các bộ sách khác nhau. Điều này, vô hình trung khiến tuổi thọ của mỗi bộ SGK ngắn hơn nhưng điều này không có nghĩa là SGK mới không thể dùng lại.

Khi học theo chương trình mới, cả cô và trò cùng bị cuốn vào bài học, học sinh cũng khá thích thú khi mở SGK (Ảnh minh họa)

Trao đổi quanh ý kiến SGK mỗi năm lại thay đổi gây lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích: Các sách biên soạn theo bộ mới là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần. Dư luận cho rằng năm nào cũng thay sách bởi vì phải thay 12 năm mới hết được, năm nào cuốn chiếu thay lớp 1, 2, 3, 10, năm tới là 4, 8, 11 và một năm nữa mới thay xong.

"Năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ không dùng được cho năm mới nhưng những sách biên soạn mới hoàn toàn có thể dùng lại được. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào thư viện để học sinh có thể dùng lại nhiều lần", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Chia sẻ suy nghĩ cá nhân về việc sử dụng SGK, cô Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên tiểu học tại quận Hà Đông thừa nhận, việc sử dụng lại SGK hiện rất ít, điều này chủ yếu do học sinh chưa có ý thức giữ gìn bộ sách. Có những em, mới học được nửa học kỳ sách đã sờn rách, long gáy, quăn mép, mực dính, mất sách… dù trên lớp giáo viên đã kèm cặp và căn dặn kỹ về việc giữ sách. “Nếu có môn gì cần viết để ghi nhớ, tôi vẫn dặn học sinh là chỉ viết bút chì và không viết bút mực vào sách để sau này bộ sách đó còn có thể tái sử dụng cho các em khóa sau hoặc gửi tặng các học sinh vùng cao không có sách. Tuy vậy, cuối năm học, rất ít phụ huynh tìm được sách của con mình…”- cô Kim Chi nêu thực tế.

Cô Lê Minh Thúy, giáo viên đã nhiều năm kêu gọi học sinh, phụ huynh đóng góp SGK cũ để gửi tặng các em vùng cao phàn nàn rằng, rất khó để gom sách cũ của học sinh, nếu có chỉ gom được vài cuốn chứ không theo bộ bởi học sinh vừa dùng, vừa làm mất, làm hỏng sách.

Muốn tái sử dụng SGK, ngoài sự nỗ lực của giáo viên trong kiểm tra, tuyên truyền học sinh giữ gìn sách thì còn cần vai trò của phụ huynh. Kể cả trường hợp gia đình có điều kiện, không tiếc tiền mua SGK cho năm học mới thì các cô giáo và nhà trường vẫn mong học sinh, phụ huynh cùng phối hợp trong việc giữ gìn những cuốn sách để tăng tuổi thọ và vòng đời của SGK.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục mỗi đầu sách dành 25.000 bản để phát cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Con số này vẫn là ít và rất cần có các biện pháp khác. Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành, chưa đến tay người học thì Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản đưa thành các file PDF lên các trang mạng để học sinh có thể lấy xuống thuận tiện….- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.