Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư tại Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam cao thứ 2 thế giới.

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca mắc mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73.5%, trong khi đó tỷ lệ này trên thế giới là 59.7%, ở các quốc gia phát triển là 49.4%, các quốc gia đang phát triển cũng chỉ ở mức 67.9%. Những con số này cho thấy rằng tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư ở Việt Nam đang rất cao.

Nguyên nhân tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam gia tăng

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Mai Trọng Khoa - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, ở một số nước trên thế giới, tỷ lệ mắc ung thư tăng tuy nhiên ở một số loại ung thư, tỷ lệ tử vong hằng năm giảm. Trong khi đó, số mắc và số ca tử vong do ung thư tại Việt Nam đều tăng.

“Việt Nam đang ở ngưỡng báo động ở tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư. Đây là gánh nặng, thách thức cho nước ta trong công tác phòng chống ung thư”, GS.TS Mai Trọng Khoa chia sẻ.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư (Ảnh: TL)

Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng lý giải nguyên nhân thời gian qua tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư hằng năm vẫn tăng cao là do nhiều yếu tố.

Nguyên nhân thứ nhất, dân số tăng kéo theo các bệnh chung cũng sẽ tăng, trong đó có ung thư. Nguyên nhân thứ hai, tuổi thọ tăng lên (già hóa dân số) số mắc ung thư càng cao.

Nguyên nhân thứ 3, theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, cùng với sự phát triển của truyền thông, kiến thức của người dân về bệnh này tăng lên. Chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Họ chủ động thăm khám hoặc tham gia các chương trình thăm khám, tầm soát ung thư của xã hội, cộng đồng. Do đó, nhiều người phát hiện sớm ung thư.

Thứ 4 là do khoa học công nghệ phát triển. Nếu như trước đây, chúng ta không có máy móc, xét nghiệm để phát hiện ung thư, hiện nay máy móc, thiết bị nhiều và kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện khối u rất nhỏ ở giai đoạn rất sớm. Điều này dẫn đến số ca ung thư tăng.

“Bên cạnh đó, nguyên nhân số ca mắc ung thư tăng còn do môi trường sống - đây chỉ là một yếu tố trong rất nhiều nguyên nhân bởi có những quốc gia tiên tiến, môi trường được đảm bảo tỷ lệ ung thư vẫn tăng. Nhưng môi trường (nước, không khí…) ô nhiễm, kém chất lượng chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng gây nên ung thư”, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

 
GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam

Không chỉ vậy, theo vị chuyên gia này, lối sống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc, uống rượu, lạm dụng chất kích thích, thực phẩm không đảm bảo an toàn… cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều .

Điểm khác biệt là theo từng quốc gia, các bệnh ung thư phân bố khác nhau. Như tại Mỹ, nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt rất nhiều, còn ở Việt Nam chủ yếu nam giới mắc ung thư gan, ung thư phổi.

Chẩn đoán sớm để "ung thư không phải án tử"

PGS.TS Mai Trọng Khoa khẳng định, với ung thư quan trọng nhất là chẩn đoán. Hiện nay, điện quang và y học hạt nhân đã đóng vai trò chủ đạo, giúp ích rất lớn trong chẩn đoán ung thư và nhiều căn bệnh khác.

“Việt Nam có hầu hết tất cả thiết bị về điện quang và y học hạt nhân hàng đầu trên thế giới. Kỹ thuật PET/CT ra đời giúp phát hiện ung thư sớm. Về y học hạt nhân, chúng ta còn sử dụng phóng xạ điều trị ung thư rất hiệu quả. Chúng ta có hầu hết các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot…”, PGS.TS Khoa nói.

Thông tin thêm, GS.TS Phạm Minh Thông - chủ tịch Hội Điện quang và y học hạt nhân Việt Nam, với các thiết bị hiện đại, chúng ta có thể chẩn đoán sớm và sâu ở nhiều bệnh.

Ví dụ như ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, khi lâm sàng chưa phát hiện ra bệnh nhưng chẩn đoán hình ảnh đã có thể thấy. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị sớm và hiệu quả hơn.

 

Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cũng nêu các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư gan tại Việt Nam. Cụ thể, sau khi được chẩn đoán sớm, chúng ta dùng các kỹ thuật can thiệp điện quang như đốt, nút mạch, hay nội soi… Từ đó có những người bệnh sau khi sử dụng kỹ thuật nút mạch điều trị ung thư gan có thể sống 10 - 20 năm.

Ngoài ra, sự phát triển của điện quang và y học hạt nhân còn giúp chẩn đoán sớm, can thiệp ngay các trường hợp chảy máu não, đột quỵ bằng CT cộng hưởng từ...

"Nhiều bệnh nhân trước kia nếu đã đột quỵ, chảy máu não, tỉ lệ tàn phế, tử vong sẽ cao hơn do khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Đến nay hàng ngàn bệnh nhân đã được cứu sống nhờ kỹ thuật điện quang trong chẩn đoán, đặc biệt là can thiệp điều trị", GS.TS Phạm Minh Thông cho biết.