Vào thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường. Đây là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh.

Trẻ em dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Ảnh: ITN

Các bệnh đường hô hấp thường gặp là cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như hen phế quản, bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD),...

Số liệu thống kê tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD), trong tháng đầu năm 2018, số lượt người bệnh đến khám các vấn đề hô hấp tăng khá nhiều. Trong đó, bệnh hen phế quản và COPD chiếm khoảng 80%, những bệnh khác như cảm cúm, ho… chiếm khoảng 20%. Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng chủ yếu mắc bệnh, trong đó người già chiếm khoảng 70% lượt khám.

ThS BS. Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD cho biết: “Cúm ác tính là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm nhất. Cảm cúm đa phần là tự hết chứ chưa có thuốc đặc trị, nhưng cúm ác tính có thể dẫn đến tử vong mà không có dấu hiệu báo trước. Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi cũng đặc biệt nặng nề đối với trẻ nhỏ vì nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Còn người lớn mắc viêm phổi đa phần phải điều trị nội trú. Ngoài ra, hen suyễn và COPD cũng là những bệnh nguy hiểm, gây tử vong nếu vào đợt cấp mà không nhập viện kịp thời”.

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi PHA (3 tuổi) sống ở Biên Hòa, Đồng Nai đến bệnh viện trong tình trạng bệnh viêm phổi cấp do virus trở nặng do không được điều trị đúng cách.

Trước đó, bé có sẵn cơ địa dị ứng sổ mũi, viêm họng nên thấy bé có triệu chứng sốt, ho húng hắng, thở khò khè thì gia đình chủ quan cho bé dùng thuốc theo đơn cũ. Tuy nhiên, hết đơn thuốc mà bé bệnh càng nặng hơn khi khó thở, bỏ ăn nên gia đình mới đưa đến bệnh viện. Vì không có thuốc đặc trị nên bé được điều trị nâng đỡ, uống thêm vitamin C, và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ khác. Hiện nay, bé đã khỏe và đã được xuất viện.

Theo bác sĩ, đa số trẻ dưới 6 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng và khó lường.

Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràng khí, tràng dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên theo dõi trẻ khi trẻ có những dấu hiệu khác thường, nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng và kịp thời. Trẻ em cần tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa.

Đối với người cao tuổi, nguyên nhân thường gặp nhất là sự thay đổi thời tiết làm tái phát các bệnh mạn tính của hệ hô hấp, các yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, đặc biệt các bệnh lý tuổi tác như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu, khiến dễ mắc bệnh hô hấp. Bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều, nhất là đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình, do đó người cao tuổi thường đi khám muộn, khi bệnh đã nặng.

Ngoài ra, người mang thai ưu tiên phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp. Người có bệnh hô hấp mạn tính cũng cần theo dõi và kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe trong giai đoạn mang thai.

Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa:

- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động.

- Ăn đầy đủ chất và các nhóm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.

- Tiêm phòng vaccine cúm đầy đủ.

- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn.

- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng, tránh khạc nhổ bừa bãi.

- Hạn chế thức ăn lạnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

- Sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ đối với những bệnh mạn tính để tránh trường hợp bệnh tái phát nặng hơn.

ThS BS.NGUYỄN NHƯ VINH