Vi khuẩn ăn cả mũi

PGS TS Đỗ Duy Cương, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết vi khuẩn whitmore - vi khuẩn phổ biến trong mùa mưa đã quay trở lại và nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì vi khuẩn này.

Theo PGS Cường, mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị loài vi khuẩn này ăn hết cánh mũi.

Ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, khi bác sĩ thực hiện cấy máu và mủ trên vết thương thì không phải do tụ cầu mà do vi khuẩn whitmore. Ngay lập tức, các bác sĩ đã nhanh chóng thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân theo hướng điều trị vi khuẩn whitmore. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Các loại khác sinh đặc hiệu được phối hợp với nhau điều trị tích cực. Với bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore việc điều trị kháng sinh phải kéo dài. Khi bệnh nhân ổn định hơn các bác sĩ sẽ điều trị tổn thương tại chỗ giảm nguy cơ nhiễm trùng vùi mũi, tai.

PGS Cường cho biết may mắn sau hai tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang ăn da non. Trong thời gian 3 tháng tới, bệnh nhân tiếp tục phải được điều trị và theo dõi để tránh nguy cơ tái phát. Nếu gặp phải vi khuẩn này tấn công lần nữa thì nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore tấn công - Ảnh BVCC

Trước đó, một bệnh nhân nhập viện với tình trạng sốt cao liên tục. Xét nghiệm máu thấy đường máu tăng cao, trên phim chụp CT thấy bệnh nhân xuất hiện tràn dịch màng phổi ở vị trí đáy phổi.

Với kinh nghiệm nghề nghiệp và những dấu hiệu chỉ điểm (bệnh nhân là nông dân, tiếp xúc với đồng ruộng; có tiền sử đái tháo đường; có tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, áp xe cơ cộng với viêm phổi…) nên các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhân bị mắc một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên whitmore. 

Tuy nhiên, khi test nhanh, không phát hiện ra vi khuẩn, đến lần chọc dịch thứ 2, bác sĩ cho nuôi cấy vi khuẩn thì tìm thấy vi khuẩn whitmore.

Bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị viêm phổi, màng phổi do vi khuẩn whitmore, có dịch xuất tiết. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định điều trị kháng sinh theo hướng dẫn của các tài liệu quốc tế và đáp ứng tốt với thuốc.

Whitmore đang bị “lãng quên”?

PGS Cường cho biết whitmore hay còn gọi căn bệnh bị lãng quên. Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Căn bệnh này rất hiếm, trước đây vài năm mới ghi nhận 5 – 20 ca nhưng đến năm 2019, qua 8 tháng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó, riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Vi khuẩn whitmore tấn công gây nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet

Biểu hiện gây bệnh ở phổi thường có các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở, sốt, bạch cầu tăng cao hoặc giảm, chụp phim Xquang phổi thấy có tổn thương dạng viêm phổi lan tỏa hoặc có các ổ áp xe hoặc có tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ sốc nhiễm khuẩn ở bệnh nhân viêm phổi do whitmore khá cao, thường tử vong trong vòng 48 giờ nhập viện. 

Bệnh nhân thường được nhập viện và các bệnh cảnh giống như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… 

Khi làm xét nghiệm có khi phải cấy máu ra kết quả vi khuẩn whitmore thì việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Hạn chế của việc điều trị là kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là 1 trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do whitmore còn cao, lên tới 40%.

Bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn.