Vải là loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới có kích thước trung bình, có thể cao tới 15-20m, có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc.

Tại Việt Nam, cây vải được trồng nhiều ở tỉnh Hải Dương và huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Trong đó, quả vải tại vùng Thanh Hà (Hải Dương) được nhiều người ưa thích vì có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây).

Giá trị dinh dưỡng của quả vải

Trong mỗi 100g quả vải có giá trị dinh dưỡng như sau:

Năng lượng: 276 kJ (66 kcal)

Đường: 15,2g

Nước: 82%

Cacbohydrat: 16.5g

Chất xơ thực phẩm: 1.3g

Chất béo: 0.4g

Chất đạm: 0.8 g

Vitamin C: (87%) 72 mg

Vitamin B2: 0,08mg

Canxi: (1%) 5 mg

Magiê: (3%) 10 mg

Phốt pho: (4%) 31 mg

Công dụng của quả vải

Bên cạnh hương vị tuyệt vời, quả vải cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, có thể kể đến như:

Hỗ trợ phòng bệnh ung thư: Sở dĩ quả vải có những đặc tính kháng ung thư vô cùng mạnh mẽ là nhờ vào nguồn hợp chất polyphenol dồi dào có trong quả vải.

Điều hòa huyết áp: Quả vải chứa nhiều Potassium (kali). Đây là một loại khoáng tố cần thiết mà cơ thể cần để kiểm soát huyết áp.

Tăng cường sức đề kháng: Bên cạnh hàm lượng vitamin C cao, quả vải còn chứa nhiều vitamin E, vitamin K, vitamin B6 nên quả vải còn có chức năng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống viêm rất tốt.

Ăn vải thế nào để không bị nóng trong người?

Đối với người bình thường chỉ nên sử dụng từ 5-10 quả/ngày. Đối với phụ nữ có thai, trẻ em nên ăn 3-4 quả/lần. Chỉ ăn quả vải đã chín đủ, không ăn vải xanh hoặc nhai, cắn hạt vải khi ăn; Không ăn quá nhiều vải cùng một lúc vì dễ bị đau rát lưỡi, sinh nhiệt, "say vải", ngộ độc vải dẫn đến buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt.

Lớp màng trắng của quả vải không chứa bất cứ chất dinh dưỡng nào. Lớp màng này cũng không mang lại tác dụng cho cơ thể hay hạn chế nóng trong. Tuy nhiên, nếu sau khi bóc, lớp màng này vẫn sót lại, việc ăn chúng cũng không ảnh hưởng tới cơ thể, dù phần nào làm mất vị thơm ngon của quả vải với vị chát, ngang.

Theo các nghiên cứu nước ép hoa quả thường thiếu chất xơ và có nhiều đường, năng lượng hơn so với trái cây tươi nguyên chất. 

3 cách để giảm bớt sự nóng của vải: 

Cách 1: Ngâm vải trong nước muối nhạt và để lạnh: Bạn có thể ngâm vải còn nguyên vỏ trong nước muối nhạt, sau đó cho vào tủ lạnh trước khi ăn, không những không bị nóng mà còn có thể giải trừ chướng bụng, tăng cảm giác thèm ăn.

Cách 2: Thay vì ăn vải có thể lấy vải thiều bóc vỏ rửa sạch, đun sôi trong nước rồi uống để hóa giải cơn nóng.

Cách 3: Mùa hè mọi người đều dễ bị nóng nên chuẩn bị sẵn tại nhà một số thức uống hạ hỏa như canh đậu xanh, trà xanh, trà hoa cúc,... Sau khi ăn vải, bạn nên uống một ít những loại nước này có thể thanh nhiệt và giảm hỏa. Hơn nữa nhưng loại nước trên còn có nhiều chất dinh dưỡng chống oxy hóa, giúp da dẻ ngày càng đẹp hơn.