Ngay 7/8, Công an phường Thống Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết vừa triệu tập để lấy lời khai đối với Nguyễn Thị Kim Minh (47 tuổi, ngụ phường Thống Nhất) để làm rõ hành vi đánh mẹ chồng gãy 2 xương sườn.

Đối tượng Minh tại cơ quan công an.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 31/7, sau khi đi nhậu về, Minh đi qua nhà mẹ chồng là bà L.T.H (70 tuổi) để nói chuyện. Tại đây, vì có mâu thuẫn từ trước nên Minh và bà H. xảy ra lời qua tiếng lại, to tiếng với nhau.

Sẵn có hơi men trong người, Minh lao tới dùng tay cào, cấu vào mặt bà H. Tiếp đến, Minh xô ngã mẹ chồng rồi đánh, đè lên người, dùng chân kẹp vào hai mạn sườn của bà H. Sau khi khống chế mẹ chồng được khoảng 20 phút, Minh mới thả ra rồi bỏ về nhà ngủ.

Đến ngày hôm sau, con gái bà H. phát hiện mẹ mình người sưng tấy, chảy máu một số vùng và kêu đau đớn nên đã đưa đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, theo kết quả chụp phim, bà H. bị gãy 2 xương sườn số 6 và số 7 bên trái.

Tiếp nhận vụ việc, Công an phường Thống Nhất đã triệu tập Nguyễn Thị Kim Minh lên làm việc. Bước đầu, Minh thừa nhận hành vi hành hung mẹ chồng.

Trao đổi với PV Infonet, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật chia sẻ quan điểm: “Trong cuộc sống này chúng ta chẳng ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Mỗi người mỗi ý và có mỗi tính khác nhau. Không chỉ với mẹ chồng mà chúng ta nên tự quán chiếu mình để sống cho đúng tâm, đúng đức của mình.

Một khi chúng ta đã gọi một người là chồng, là vợ thì đồng nghĩa mẹ của chồng hay vợ thì cũng là mẹ của mình, vì thế hãy cố gắng làm tròn chữ Hiếu. Hiếu thuận với cha mẹ chính là cái đức của con người”.

Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Infonet về vụ việc.

“Chẳng cần phải bàn tính tới cái việc có phải là mẹ mình hay không, nhưng cứ hễ là người thì chúng ta cần nuôi dưỡng tình cảm yêu thương của nhân loại. Mối quan hệ con dâu với cha mẹ chồng luôn là vấn đề được quan tâm và thảo luận trong xã hội và pháp luật.

Vì vậy, pháp luật quy định con dâu có quyền và nghĩa vụ với nhau tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: Trong trường hợp con dâu sống chung với cha mẹ chồng thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này.

Như vậy có thể thấy rằng con dâu là thành viên trong gia đình, họ cũng có quyền và nghĩa vụ với nhau tương tự quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con.

Theo quy định về quyền và nghĩa vụ giữa con dâu, con rể và cha mẹ chồng, cha mẹ vợ chỉ phát sinh trong trường hợp họ có sống chung với nhau vì khi sống chung thì sẽ ràng buộc những điều kiện kinh tế, sinh hoạt….

Phạm vi quyền và nghĩa vụ của con dâu hạn chế hơn so với quan hệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Tuy nhiên, hành vi đánh đập mẹ chồng là hành vi mà cả góc độ pháp luật lẫn đạo đức đều cần lên án.

Căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) ''Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác'' sẽ có các khung hình thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12, 20 năm hoặc tù chung thân. Do đó, trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể người mẹ để có thể định khung hình phạt đối với cô con dâu”, luật sư Bình phân tích và viện dẫn quy định pháp luật liên quan.