Rượu chứa độc chất Methanol hãy cẩn thận
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu methanol trong đó nhiều vụ nạn nhân đã tử vong. Vậy làm thế nào để phân biệt rượu ethanol và rượu có chứa chất độc methanol?
Theo chuyên gia hóa học Đỗ Thanh Bái - Hội Hóa học Việt Nam cho biết, bằng vị giác và khứu giác, con người không thể phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Theo đó, cồn Methanol hay Methyl Alcohol cũng là chất thuộc nhóm rượu, nhưng chỉ có một nguyên tử carbon trong phân tử, và không thể dùng để uống vì rất độc. Là một chất độc với cơ thể con người, có tính ức chế đến hệ thần kinh trung ương (gồm não và tủy sống).
Tùy liều lượng sẽ gây nhức đầu, ói mửa, mù mắt (do gây hư hoại tế bào võng mạc và sợi thần kinh thị giác), hôn mê, và tử vong. Một khi vào trong cơ thể sẽ được thải trừ ra rất chậm.
“Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ban đầu của nhiễm độc cồn methanol lại nhẹ và không rõ ràng như say xỉn với rượu. Do đó, việc phát hiện để cấp cứu thường khi đã quá trễ”, ông Đỗ Thanh Bái cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, một trong các cách điều trị chính của trúng độc cồn methanol lại là dùng rượu ethanol.
Lý do là ethanol sẽ ưu tiên tranh dành lấy enzyme alcohol dehydrogenase, do đó cồn methanol sẽ không bị phân hủy bởi enzyme này để sinh ra độc chất formic acid. Nhờ thế nó sẽ được bài tiết nguyên dạng ra khỏi cơ thể qua đường tiểu (một phần nhỏ qua đường hô hấp).
Bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch dung dịch 10% ethanol trong 5% dextrose. Bên cạnh đó có kèm theo các điều trị chống co giật, bảo vệ đường ruột, kiềm hóa hệ tuần hoàn…
Cồn methanol còn rất độc vì nó được phân hủy trong cơ thể (ở gan) do enzyme alcohol dehydrogenase để cho ra formaldehyde (H2CO). Chất này lại được oxit hóa cho ra formic acid (CH2O2). Formic acid gây tăng độ acid (acidosis) trong máu, dẫn đến suy hô hấp và ngưng thở.
Theo các cơ quan quản lý, các vụ ngộ độc rượu vừa qua là do người dân sử dụng các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không có dán nhãn, không được kiểm soát về chất lượng, vì lợi nhuận mà các cơ sở nhỏ lẻ đã pha cồn công nghiệp (methanol) nên khiến người sử dụng tử vong.
Cách phân biệt cồn công nghiệp methanol và cồn thực phẩm ethanol
Theo ông Đỗ Thanh Bái, trong quá trình lên men từ các loại ngũ cốc để chưng cất cồn, dùng bằng phương pháp thủ công hay bằng dây chuyền công nghệ hiện đại và dù dùng nguyên liệu đầu vào khác nhau (gạo, ngô, sắn, lúa mạch…) cũng đều tạo ra một lượng tạp chất nhất định và khi chưng cất, methanol, aldehyt… Các tạp chất sẽ được loại bỏ tùy thuộc công nghệ sản xuất và hệ thống chưng cất.
Vì vậy, người ta đã đưa ra quy chuẩn đối với các loại rượu, trong đó hàm lượng methanol phải được khử ở mức dưới 100mg/lít, nếu vượt quá giới hạn này sẽ trở thành rượu độc.
Trên thực tế, rượu nấu bằng phương pháp thủ công từ lâu vẫn được người dân sử dụng. Tuy nhiên, như đã phân tích, lượng độc tố trong loại rượu này luôn tồn tại, ít hay nhiều hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu (tỷ lệ loại bỏ rượu đầu và rượu cuối).
Theo các nhà chuyên môn, cồn thực phẩm khác với cồn công nghiệp bởi các yếu tố sau: Cồn thực phẩm (ethanol): Nồng độ tiêu chuẩn >96% Vol; Loại bỏ hoàn toàn tạp chất dùng để sản xuất rượu, đồ uống có cồn, chiết xuất dược liệu, pha chế thuốc… Còn cồn công nghiệp (methanol), chưa loại bỏ hoàn toàn tạp chất, nồng độ <95%Vol, trong đó 5% có thể là methanol, aldehyt, dầu fusel và các tạp chất; được dùng trong công nghiệp in, điện tử, dệt may, chế phẩm đánh bóng, verni…
“Hiện nay, tình trạng sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất phức tạp; vì hám lợi nhiều cơ sở sản xuất sử dụng phương pháp, quy trình chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng cồn công nghiệp (methanol) pha rượu.
Chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và uống có trách nhiệm
Vụ việc 8 người (tuổi đời chỉ 19 - 23) nghi ngộ độc rượu tại nhà hàng Mr Bao (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM) dẫn đến 2 người chết, 6 người đang cấp cứu khiến nhiều người bàng hoàng.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, tối 3/8, nhóm 6 nhân viên của quán Mr Bao tổ chức nhậu tại quán, có mời 2 bạn nữ cùng tham gia. Nhóm này đã lấy 5 lít rượu trắng có sẵn tại quán, pha với nước ngọt màu đỏ và đã uống hết.
Theo chuyên gia hóa học PGS.TS Trần Hồng Côn, việc pha rượu với nước ngọt để uống cũng gây nguy hại cho sức khỏe dù các loại nước này đều nằm trong danh mục các chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), pha rượu với những loại nước có gas, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe.
Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.
Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn, làm người uống đau đầu, chóng mặt, hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.
Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da, nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác, dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.
Do vậy người tiêu dùng tuyệt đối không uống rượu pha với các loại nước có gas, nước hoa quả… để tránh bị ngộ độc hoặc gây ra những biến chứng, vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Đảm bảo từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, đảm bảo có thể truy xuất người sản xuất.
Người dân không uống các sản phẩm không có nhãn mác, rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, rượu; không tự mua thuốc Bắc, tự mua hay sưu tầm; Tuyệt đối không dùng rượu quá liều lượng, quá mức như uống say, quá say… Đặc biệt là người tiêu dùng hãy uống có trách nhiệm, theo khả năng của mình, không lạm dụng rượu ảnh hưởng tới bản thân và cộng đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về việc ngộ độc methanol: “Nguyên tắc điều trị chính khi bị ngộ độc methanol là phòng ngừa hơn nữa sự chuyển hóa của chất methanol, chế ngự những điều bất thường của sự trao đổi chất và thực hiện chăm sóc hỗ trợ khác. Sự chuyển hóa có thể được ngăn chặn bằng việc cho uống ethanol hoặc fomepizole. Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm việc chế ngự nhiễm axit bằng chất carbonat axit natri, đặt ống và hô hấp bằng máy, sử dụng biện pháp đào thải ra ngoài cơ thể như thẩm phân máu”.