Sáng 21/11, PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhi 7 tuổi (ở quận Tân Phú) bị ngộ độc nặng do uống nhầm thuốc methadone.

Trước đó, người cậu của bệnh nhi nhận thuốc về để uống cai nghiện ma túy. Thấy nước thuốc màu hồng, chiều 19/11, bé trai đã lấy uống vì tưởng là nước ngọt.

Vài phút sau, bệnh nhi than mệt, khó thở và gia đình lập tức đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận 11. Lúc 19h cùng ngày, trẻ được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng mệt, khó thở, lo mơ.

Tại đây, trẻ được giúp thở, tiêm thuốc giải độc Naloxone, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và thở máy. 

Do thuốc cai nghiện tác dụng kéo dài đến 36 giờ nên trẻ được truyền thuốc giải độc liên tục. Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh, đang tiếp tục thở máy, truyền thuốc giải độc và tập thở. 

Methadone là loại thuốc thường dùng nhằm điều trị cho người nghiện heroin. Bằng cách sử dụng methadone, bệnh nhân có quá trình cai nghiện an toàn hơn, giảm khả năng tái nghiện. 

Với người nghiện, uống dung dịch methadone vào sẽ đỡ cảm giác thèm heroin. Nhưng người bình thường uống phải chất này rất dễ ngộ độc kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn tới ngừng thở, hôn mê, tử vong.

Nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống nhầm methadone đã xảy ra. Hầu hết trẻ uống nhầm dung dịch methadone tại gia đình do tưởng là nước dâu hay nước ngọt.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu người nghiện được phép mang chất này về nhà sử dụng, uống tại gia đình, việc quản lý cần chặt chẽ để tránh trường hợp bị ngộ độc do uống nhầm.