Theo thông tin từ Dân Trí, 

PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trên thế giới cũng như tại nước ta cũng ghi nhận không hiếm các trường hợp tử vong trên đường chạy. Các trường hợp đột tử ở những người trẻ sau khi gắng sức thường do 2 lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não. 

Ảnh minh họa: Internet

Theo ông, những trường hợp này nhìn bề ngoài trông khỏe mạnh nhưng bản chất có thể có bệnh lý tiềm ẩn. Họ có thể mắc các bệnh tim bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não… mà không hề biết (không đi khám hoặc đi khám không đúng chuyên khoa nên không được phát hiện).

Những tình trạng này không gây ra các triệu chứng khi một người hoạt động bình thường nên chúng thường không được phát hiện.

Tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, không biểu hiện ra bệnh lý, là do họ thích nghi với lượng vận động (công suất, thời gian, tần suất vận động) mức độ bình thường. Nhưng khi họ hoạt động với lượng vận động quá lớn, vượt ngưỡng "chịu tải" của tim, mạch, hô hấp… thì dẫn đến "phát nổ" như một chiếc nồi áp suất đang đun vượt quá áp suất cho phép.

Hậu quả là gây vỡ mạch, thiếu máu (dinh dưỡng, oxy) cho cơ tim, cho não để duy trì hoạt động, ngừng tim đột ngột và tử vong.

"Có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW... Những trường hợp này nếu chủ quan, cố tập luyện với lượng vận động lớn, trong điều kiện vệ sinh an toàn tập luyện kém có thể dẫn đến các tai nạn, cấp cứu, đột tử", PGS Kha nhấn mạnh. 

Một số người cũng có thể có dị dạng ở mạch máu não hoặc có bệnh mãn tính chưa điều trị khỏi. Khi tập luyện cường độ cao, kéo dài gây cường giao cảm, dẫn tới co mạch, tăng huyết áp, gây co thắt mạch não, vỡ điểm yếu (phình) mạch não hoặc làm cơ thể bị quá sức, quá tải dẫn đến những biến cố, đột tử không mong muốn. 

Theo PGS Kha, có một thực tế là rất nhiều người khi chơi thể thao đã không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu não... 

Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, bạn hoàn toàn có thể “tự cứu lấy mình” nếu kịp dừng lại khi thấy 3 dấu hiệu cảnh báo đột tử xảy ra lúc đang chạy bộ. Thường liên quan tới mất nước, mất cân bằng điện giải, rối loạn tim mạch - mạch máu não, suy nhược cơ thể nghiêm trong. Chúng bao gồm:

- Một là khát nước cực độ. Thường là khát khô đến mức phải thè lưỡi ra để dính vào môi, cổ họng khô đến nóng hoặc hơi rát.

- Hai là đầu của bạn bắt đầu cảm thấy nặng nề, không tỉnh táo. Bạn có thể cảm thấy choáng váng hoặc cảm thấy phấn chấn quá độ khi chạy, hoặc thậm chí cảm thấy chóng mặt hoặc quay cuồng.

- Ba là tim đập nhanh bất thường. Khi chạy bộ, nhịp tim sẽ tăng nhưng cần dừng ngay lại nếu bạn cảm thấy tim mình đập nhanh mất kiểm soát, nhịp tim thình thịch rõ nét hoặc cảm nhận rõ ràng tim đập mạnh vào lồng ngực bất thường, đau tức ngực, có thể kèm khó thở.