Trẻ hóa do ung thư giáp

Chị Nguyễn Thu Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sờ thấy khối u nhỏ ở cổ nên vội vàng tới bệnh viện khám. Sau khi sinh thiết bác sĩ chẩn đoán ung thư tuyến giáp với bướu keo. Ngay sau đó, chị Hằng được bác sĩ phẫu thuật và phải điều trị I ốt phóng xạ. Đến nay, sau khi điều trị ổn định, chị Hằng mới có dịp chia sẻ về căn bệnh của mình.

Chị Hằng kể trong những ngày điều trị ung thư tuyến giáp chị mới thấy có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi dưới 40 đã bị ung thư giáp. Có trường hợp bà mẹ đang nuôi con nhỏ đã tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp.

Trong phòng điều trị của chị Hằng có 6 người thì 4 người tuổi từ 25 tới 40.

Trường hợp của chị Đào Thị Châu (32 tuổi, Hà Nội) đang mang thai tháng thứ 4 thì phát hiện ung thư tuyến giáp. Chị Châu đã được tư vấn sinh con xong điều trị vì ung thư giáp tiến triển chậm. Đến nay, chị đã điều trị bệnh ổn định được 6 năm. Con gái chị đã bước sang năm học thứ 2. Chị Châu đang dự tính sinh thêm con.

Trường hợp ung thư tuyến giáp gia tăng nhưng các bác sĩ cảnh báo âm tính trong ung thư tuyến giáp cũng nhiều. Nhiều trường hợp có nhân ở tuyến giáp đã lo lắng đi sinh thiết và kết quả ban đầu dương tính ung thư nhưng mổ ra lại âm tính.

Ung thư tuyến giáp nguy hiểm không? - Ảnh minh họa: Internet

Cụ thế, chị Hoàng Diệu Thùy (Ba Đình, Hà Nội) có u ở cổ. Chị Thùy đi khám sức khỏe tổng quát được bác sĩ tư vấn sinh thiết tuyến giáp và chị đã làm, chẩn đoán ung thư tuyến giáp. 1 tháng sau, chị Thùy sinh thiết lại vẫn là ung thư tuyến giáp và được phẫu thuật. Kết quả giải phẫu tế bào lại âm tính không có thể bào ung thư. Điều này với chị Thùy là may mắn nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa ung thư nó lại là tiếng chuông cảnh báo cho việc sàng lọc ồ ạt ung thư giáp trạng.

Ung thư tuyến giáp gồm thể biệt hóa gồm thể nhú, thể nang, hỗn hợp nhú và nang chiếm 80%; 20% còn lại là ung thư tuyến giáp không biệt hóa bao gồm thể tủy, thể thoái biến, ung thư tổ chức liên kết, lymphoma… Trong đó bệnh nhân bị ung thư giáp thể nhú là phổ biến chiếm từ 70-80%. Nếu mắc ung thư tuyến giáp thể này tiến triển chậm và có thể di căn hạch cổ, hoặc có thể lan tới phổi và xương… Còn ở thể không biệt hóa tỷ lệ chiếm từ 10-15%, loại này có tốc độ tiến triển nhanh hơn, di căn hạch cổ và di căn xa vào xương, phổi và bệnh nhân tử vong nhanh.

Ung thư tuyến giáp có đáng sợ?

Theo TS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết bướu tuyến giáp, dân gian hay gọi là bướu cổ, là bệnh lý rất thường gặp. Thật ra bướu cổ là từ người dân hay nói khi có khối u vùng cổ, thường gặp nhất là tuyến giáp nhưng cũng có thể là hạch, nang giáp lưỡi, bướu tuyến nước bọt…

Sàng lọc ung thư giáp như thế nào - Ảnh minh họa: Internet

Theo các nghiên cứu, 40- 60% người bình thường có bướu giáp, ung thư giáp xảy ra trên 5 - 10% bướu giáp, tuy nhiên phần lớn các trường hợp này, bệnh nhân hoàn toàn không biết mình mắc bệnh và sống chung hòa bình với bệnh mà không có bất kỳ khó chịu nào khác.

Bác sĩ Vũ cho biết nhiều bệnh nhân khi chẩn đoán bị ung thư giáp họ lo lắng chạy tới bác sĩ. Có bệnh nhân trẻ, khỏe, không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện bướu giáp qua gói khám sức khỏe tổng quát của cơ quan, với khối u chỉ từ 4 - 6 mm. Họ hoang mang khi nghe bác sĩ tuyến trước báo là bị ung thư. Tuy nhiên sau khi bác sĩ xem lại và tư vấn, các bệnh nhân đều nhẹ nhõm và chấp nhận theo dõi, không cần phải phẫu thuật gấp.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam đang có phong trào sàng lọc ung thư tuyến giáp. Bác sĩ Vũ cho biết việc lạm dụng siêu âm tuyến giáp rồi chọc hút tế bào như hiện nay đang được các bệnh viện và phòng khám tư khai thác triệt để có nhiều điều cần chú ý.

Bác sĩ Vũ cho biết khi siêu âm hay chọc hút tế bào (FNA) đều có khả năng gây dương tính giả (không bệnh thành có bệnh) nên nhiều bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ oan uổng. Vấn đề này xảy ra không chỉ ở Hàn quốc mà ngay cả các nước khác như Mỹ, Nhật bản. Gần đây các hướng dẫn từ các Hội nghề nghiệp lớn tại Mỹ và Hàn quốc như Ủy ban tác nghiệp y học dự phòng Mỹ (USPSTF) đã lên tiếng chống lại việc tầm soát ung thư tuyến giáp.