Phụ Nữ Sức Khỏe

Ăn kiêng trong điều trị ung thư: Sai lầm chết người hàng nghìn người vẫn mắc

Nhiều bệnh nhân sau khi bị ung thư đã quyết ăn kiêng với hi vọng tế bào ung thư không còn gì để ăn và tự chết. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân đã chết trước tế bào ung thư.

Da bọc xương vì ăn kiêng

Được chẩn đoán ung thư vú, chị Lê Thị H. (40 tuổi, Nghệ An) đã chọn cho mình con đường điều trị hà khắc để tự tiêu diệt ung thư. Theo đó, chị H., bỏ hết lời khuyên của mọi người và chị bắt đầu thực hiện ăn kiêng. Chị H. bỏ hết các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, thịt mà chỉ ăn rau củ quả luộc và các loại hạt.

Sau 3 tháng ăn kiêng điều trị ung thư, khối u vẫn to và sức khỏe ngày càng mệt hơn. Toàn bộ vùng ngực bắt đầu đau và khó thở. Chồng con đưa chị vào viện trong tình trạng gày sút nghiêm trọng. Trong giấy khám sức khỏe khi phát hiện ung thư vú chị nặng 51 kg, 3 tháng sau chỉ cỏn 42 kg. Bác sĩ giật mình vì 3 tháng khối u phát triển và xâm lấn rộng.

an kieng dieu tri ung thu

Nhiều bệnh nhân suy kiệt vì ăn kiêng điều trị ung thư - Ảnh minh họa: Internet

Nếu ở giai đoạn đầu bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật và thực hiện các phác đồ điều trị hóa chất, xạ trị là có cơ hội khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau khi ăn kiêng điều trị ung thư thì tế bào đã phát triển xâm lấn rộng và phải cắt bỏ hoàn toàn ngực bên trái. Nếu ở thời điểm đầu, bệnh nhân có thể phẫu thuật bảo tồn ngực không cần cắt hết.

Trường hợp của chị H. còn cơ hội phẫu thuật điều trị, ví dụ như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (38 tuổi, Hà Tĩnh) thì ra viện trong tình trạng da bọc xương, ung thư đã di căn toàn bộ não và phổi khiến chị không thể thở được và thường xuyên đau đầu. Các bác sĩ muốn phẫu thuật cũng đành chịu mà chỉ hồi sức tích cực giảm đau cho bệnh nhân.

Phát hiện ung thư vú ở giai đoạn khá sớm. Chị Th. không điều trị theo Tây y mà tham gia vào nhóm những người thực dưỡng, ăn theo chế độ chay chỉ ăn cơm, lạc, vừng, đậu phụ và rau xanh. Các loại thực phẩm khác kiêng hoàn toàn.

5 tháng sau, chị Th. lại quay vào viện với tình trạng da bọc xương, đau nhức xương khớp, tức ngực ho ra máu, đau đầu. Bác sĩ chụp PET/CT đánh giá tình trạng bệnh đã di căn toàn thân. Khi phát hiện bệnh ung thư vú ở giai đoạn 2 nhưng bệnh nhân bỏ về nhà tự ăn chay trường dẫn tới suy kiệt sức khỏe.

Ăn kiêng điều trị ung thư càng nhanh tử vong

Giáo sư Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K trung ương, cho biết bà thường xuyên gặp các bệnh nhân sau khi chẩn đoán ung thư về nhà ăn theo chế độ Ohsawa và kết quả thì hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da bọc xương, suy kiệt nặng. Mặc dù ăn kiêng được khuyến cáo rất nhiều nhưng hàng nghìn bệnh nhân ung thư vẫn mắc phải.

Giáo sư Hương cho biết quan niệm ăn kiêng, nhịn ăn để tế bào ung thư chết là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì có thể khiến người bệnh tử vong nhanh hơn do suy kiệt sức khỏe.

ung thu co nen kieng thit do

Người bệnh ung thư cần ăn đủ chất, không nên kiêng khem - Ảnh minh họa: Internet

Ung thư là bệnh hoàn toàn điều trị khỏi được nếu thể trạng người bệnh tốt và để có thể trạng tốt người bệnh cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ đạm, mỡ, tinh bột, các khoáng chất và vitamin. Giáo sư Hương cho biết bệnh nhân ung thư không phải kiêng khem gì nhiều.

Một số trường hợp bác sĩ tư vấn có thể giảm lượng thịt màu đỏ, tăng các loại thịt gia cầm, đạm từ thủy hải sản nhưng giảm không có nghĩa là bỏ đi hoàn toàn các thực phẩm đó.

Với phương pháp ăn kiêng theo Ohsawa, GS Hương nhấn mạnh chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn kiêng, thực dưỡng là an toàn và tốt cho bệnh nhân ung thư hay bất cứ bệnh nhân nào. Đối với ung thư, người bệnh càng phải tăng cường ăn nhiều thực phẩm đa dạng để cải thiện sức khỏe có sức chống chọi lại bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị đều ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh rất nhiều, mỗi phương pháp có tác dụng phụ khác nhau và các bệnh nhân luôn luôn được khuyến cáo ăn uống thật tốt để nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị.

Các quan niệm cực đoan về dinh dưỡng đối với người bệnh ung thư đều không được khuyến khích. GS Hương cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện K trung ương còn xây dựng các chế độ thực đơn cho từng bệnh ung thư khác nhau và bất cứ thực đơn nào cũng đa dạng thực phẩm, không có câu chuyện ăn kiêng điều trị ung thư nào ở đây.

Không chỉ ăn kiêng, quan niệm nhịn đói để bỏ tế bào ung thư cũng rất cực đoan. Các bác sĩ bệnh viện K đều khuyến cáo ở bất cứ hoàn cảnh nào người bệnh vẫn phải ăn. Có trường hợp bệnh nhân không ăn được bác sĩ phải sử dụng ống xông dạ dày để đảm bảo chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, tránh suy kiệt cho bệnh nhân.

Giáo sư Hương nhấn mạnh với các bệnh nhân đang điều trị ung thư và sống chung với bệnh ung thư luôn luôn giữ một cơ thể khỏe mạnh vì khi cơ thể khỏe, tế bào ung thư cũng sẽ hạn chế phát triển hơn.

Bảo Lâm

Tin liên quan

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra 10 dấu hiệu ung thư bạn cần nhớ

Ung thư là gánh nặng bệnh tật của thế giới, các nghiên cứu chỉ ra rằng đến năm 2040 tỷ...

5 loại thịt chế biến có thể gây ung thư

Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC)-một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã...

Sự thật về mối liên hệ giữa cà phê và bệnh ung thư

Nghiên cứu quy mô lớn của Anh đã cho câu trả lời chính thức về việc cà phê gây ung...

Tia hy vọng mới trong điều trị ung thư cho hàng nghìn bệnh nhân Việt

Theo thống kê của Tổ chức ung thư thế giới, mỗi ngày Việt Nam có hơn 300 người tử vong...

Thủ phạm làm tái phát ung thư vùng đầu cổ

Virus HPV, hút thuốc lá, dinh dưỡng chưa hợp lý có thể gây tái phát bệnh sau điều trị ung...

Món ăn kỳ quái nhưng chống ung thư cực kỳ hiệu quả

Các nhà khoa học Ý đã tạo ra một ly "sinh tố" kỳ quái nhưng có khả năng chống oxy...

Mất cơ hội điều trị ung thư dạ dày vì thiếu tầm soát

Nhiều người đến bệnh viện khám, khối u đã chiếm gần hết dạ dày, cơ hội được cứu sống hầu...

Tin mới nhất

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình