Tại dự thảo báo cáo Thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam mới đây, Bộ Y tế cho biết tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt trong giai đoạn 2019-2023 là 27,2 tuổi.

Năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 29,3 tuổi. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ là 25,1 tuổi.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt trong giai đoạn 2019-2023 là 27,2 tuổi. (Ảnh minh hoạ: TT)

Xu hướng sinh con ở phụ nữ cũng thay đổi theo hướng sinh muộn, sinh ít hơn. Mức sinh cao nhất dịch chuyển từ nhóm tuổi 20-24 với 158 trẻ/1.000 phụ nữ vào năm 1999. Ở nhóm tuổi 25-29 là 133 trẻ/1.000 phụ nữ vào năm 2009 và 130 trẻ/1.000 phụ nữ vào năm 2019.

Phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Tại khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi với 127 trẻ/1.000 phụ nữ.

Còn tại khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất là nhóm 20-24 tuổi với 147 trẻ/1.000 phụ nữ, cao gần gấp đôi mức sinh cùng nhóm tuổi này ở khu vực thành thị.

Bảng kết quả dự báo dân số và tỉ lệ tăng dân số bình quân năm theo 3 phương án trong giai đoạn 2019-2069.

Xét theo mức sống và trình độ học vấn, phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất có mức sinh cao nhất với 2,4 con/người. Phụ nữ ở các nhóm còn lại (giàu, trung bình và nghèo) có số con trung bình là 2.

Mức sinh cao nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ sơ cấp (3,71 con/phụ nữ), mức sinh thấp nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ đại học (1,85 con/phụ nữ).

Hiện có 33/63 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, với quy mô dân số chiếm 42,3% dân số cả nước.

21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, với quy mô dân số chiếm 39,4% dân số cả nước.

Chỉ có 9/63 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế với quy mô dân số chiếm 18,3% dân số cả nước.