Trước đó, chiều 23-8, trang TYLT với gần 200.000 người theo dõi ở huyện Long Thành, Đồng Nai đăng bài viết kèm hình ảnh, nội dung đề cập đến người đàn ông tên N.V.Đ (57 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, hiện ở trọ tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đi xe màu trắng ra giữa công viên vườn dầu Long Thành có hành động kỳ quặc, khi thấy mấy bạn trẻ thì lấy chuối (biểu tượng hình trái chuối) ra bóc vỏ hù ú oà.

Sự việc sau khi được đăng tải đã có hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận về người đàn ông trên. Ngay sau đó, ông Đ được phát hiện tử vong trong tình trạng treo cổ.

Theo con gái ông Đ, sau khi sự việc xuất hiện trên trang TYLT, người nhà đã đọc được và có hỏi ông về sự việc nhưng chưa nhận được câu trả lời thì đã phát hiện ông Đ treo cổ tại phòng. Con gái ông Đ cho rằng, ông tự tử vì liên quan bài viết bị xúc phạm.

Hiện tài khoản TYLT đã xoá bài viết và có đăng một bài viết khác giải thích và thanh minh về sự việc. Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Long Thành đã vào cuộc xác minh làm rõ nội dung trang TYLT đăng tải thông tin, hình ảnh liên quan đến ông Đ.

Hình ảnh và thông tin của ông Đ được đăng tải trên mạng xã hội

Nhận định về sự việc trên, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, thời gian qua việc một số cá nhân đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác không còn là chuyện hiếm gặp. Đã có không ít bạn trẻ phải tìm được cái chết do bị nhục mạ, “đánh hội đồng” trên mạng xã hội.

Theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, đồng thời yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Như vậy quyền của mỗi người về danh dự, nhân phẩm, uy tín được pháp luật bảo vệ. Hành vi vu khống, xúc phạm người khác trên facebook là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Về xử lý hành chính, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của người khác…Cá nhân vi phạm bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền với tổ chức.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi vu khống, xúc phạm người khác trên mạng xã hội khiến nạn nhân tự sát có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 30 triệu đồng với phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm và phạt tù tới 5 năm.

Bên cạnh đó, cá nhân có hành vi trên còn có thể bị xử lý về Tội vu khống người khác theo Điều 156 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 7 năm đối với hình phạt tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.