Vụ bạo hành gây phẫn nộ

Sáng 21-7, Tòa gia đình và người chưa thành niên (Tòa án nhân dân TPHCM) đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án bé V.A bị mẹ kế và cha ruột bạo hành dẫn đến tử vong. Vụ án thực sự gây phẫn nộ trong quần chúng. Chính vì vậy nên từ sáng sớm khi cổng tòa còn chưa mở, hàng trăm người dân đã tập trung rất đông để theo dõi.

Theo cáo trạng, cháu N.T.V.A. (SN 2013) là con ruột của Nguyễn Kim Trung Thái và chị Nguyễn Thị Hạnh. Tháng 8-2020, hôn nhân tan vỡ, Thái và chị Hạnh ly hôn. Cháu V.A. được TAND quận 1 giao cho ba (Thái) được quyền nuôi dưỡng. Khoảng tháng 9-2020, Nguyễn Võ Quỳnh Trang đến chung sống như vợ chồng với Thái và cháu V.A tại căn hộ ở chung cư Saigon Pearl.

Khoảng tháng 10-2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cháu A. học trực tuyến tại nhà. Người chăm sóc, dạy cháu V.A, học là Trang. Trong quá trình đó, từ ngày 7-12-2021 đến 22-12-2021, Trang nhiều lần dùng tay, chân, cây gỗ, roi, cây kim loại (ống nối của máy hút bụi) đánh đập, hành hạ dã man cháu V.A. bằng nhiều cách thức khác nhau, trong nhiều ngày, nhiều giờ, dẫn đến việc cháu tử vong.

 Hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên tòa

Điều hết sức kinh khủng là bố cháu V.A., ông Thái là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu A., nhìn thấy Trang đánh và hành hạ con gái mình suốt nhiều ngày, nhiều giờ nhưng vẫn thờ ơ, không ngăn cản. Thậm chí còn không có hành động nào bảo vệ, che chở cho con mình. Không những thế, có lúc Thái còn cùng Trang đánh đập, hành hạ cháu V.A. Khi biết Trang đánh cháu V.A. đến tử vong, Thái đã thực hiện hành vi xóa dữ liệu camera để che giấu hành vi phạm tội của Trang, gây cản trở việc điều tra.

Tính chất vụ án nghiêm trọng và gây phẫn nộ trong dư luận nên luật sư bảo vệ bên bị hại đã kiến nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xem xét cha ruột của bé V.A. về tội giết người. Về nội dung kiến nghị thay đổi tội danh đối với bị cáo Thái, HĐXX cho rằng sau khi có kết quả điều tra bổ sung, HĐXX sẽ xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Từ đó, chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung và trưng cầu giám định lại tỷ lệ thương tích gây ra cho nạn nhân trong 4 ngày trước khi vụ án xảy ra.

Chấp nhận đề nghị của các luật sư, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung về tội danh của Thái. Vụ án tạm khép lại, nhưng nó như một vết dao đâm vào lương tâm của tất cả chúng ta, trăn trở và day dứt, để làm sao bảo vệ được trẻ em một cách hiệu quả nhất, khi mà các em, các cháu không thể tự vệ được mình.

Giám định lại tỷ lệ thương tích

Theo kết luận giám định pháp y bổ sung của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM giải thích, các vết thương trong khoảng 1 giờ đến 6 giờ ngày 22-12-2021 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân V.A. Các tổn thương cũ, xảy ra trước ngày cháu bé tử vong là yếu tố cộng thêm dẫn đến cháu bé tử vong. Trong trường hợp Trang không hành hạ bé gái 8 tuổi vào ngày 22-12-2021, thì các tổn thương cũ không gây ra cái chết của nạn nhân.

Kết luận giám định của Cơ quan điều tra, nguyên nhân tử vong của cháu A. là do phù phổi cấp và sốc chấn thương. Đây cũng là một trong những nội dung được các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại kiến nghị, đồng thời đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung để xem xét bị cáo Thái đồng phạm với bị cáo Trang về tội giết người.

 Bị can Nguyễn Trung Huyên và hình ảnh chụp X-quang hộp sọ bệnh nhi Đ.N.A.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, giám định pháp y bổ sung ngày 14-3-2022 kết luận: "Các tổn thương mới, xảy ra trong vài giờ trước khi tử vong (khoảng 1 giờ đến 6 giờ) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân. Các tổn thương cũ, xảy ra trước khi tử vong khoảng từ 2 ngày đến 25 ngày là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của nạn nhân".

Trong các ngày 7, 10, 11 và 12-12-2021, Trang và Thái cùng đánh, hành hạ bé A., gây ra các thương tích cho bé. Các vết thương cũ do Trang và Thái gây ra trước đó cộng hưởng với các vết thương mới đã dẫn đến cái chết của bé V.A. Như vậy, luật sư yêu cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của bé V.A. do Trang và Thái gây ra trước ngày bé tử vong để xác định các thương tích này ảnh hưởng như thế nào đến cái chết của bé V.A. Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm kiến nghị trưng cầu giám định bổ sung thương tích bị hại trước ngày 22-12-2021. Mặc dù cháu V.A. đã tử vong nhưng vẫn thực hiện giám định được qua hồ sơ theo quy định tại khoản 2, điều 2 thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28-8-2019.

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự, việc xác định thương tích, tính chất, mức độ tổn hại sức khỏe là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Trong vụ án này, thủ tục giám định chưa thực hiện, HĐXX thấy cần hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho viện kiểm sát điều tra, bổ sung kiến nghị của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại trong việc giám định tỉ lệ thương tật của bị hại về các thương tích trong những ngày 7, 10, 11 và 12-12-2021 là có cơ sở để chấp nhận", sau khi hội ý, HĐXX đồng ý với kiến nghị trên.

Thêm nhiều vết thương lòng

Điều đáng nói, trong thời gian qua có khá nhiều vụ án bạo hành với trẻ em, diễn ra ngay trong gia đình, trường học. Mới đây nhất vào ngày 18-7, Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu hành hạ bé gái gần 2 tuổi dẫn đến chấn thương sọ não, nguy kịch.

Trước đó cũng từng đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm như vậy, như vụ bé gái 6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre dẫn đến tử vong. Vụ bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị người tình của mẹ là Nguyễn Trung Huyên hành hạ bằng cách cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay, đóng đinh vào đầu dẫn đến nguy kịch...

Những vụ án đau lòng nêu trên đã phản ánh một góc tối của đời sống xã hội cần phải lên tiếng cảnh báo. Làm sao để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ em, chứ không chỉ là những lần viếng thăm của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng với nạn nhân khi các em, các cháu đã lãnh trọn hậu quả của những vụ bạo hành tàn ác, lạnh lùng. Những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng với trẻ em nhưng luật pháp hiện hành dường như chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe với tội ác mà người lớn gây ra với trẻ khiến dư luận bất bình. Trên thực tế, chưa một "kẻ thủ ác" nào phải chịu mức án cao nhất - tử hình, chung thân. Dư luận đặt ra vấn đề: Có cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật hay không?

Một vấn đề khác là giáo dục, tuyên truyền các điều luật về bảo vệ trẻ em cho chính người lớn và trẻ em. Phải làm sao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu được vấn đề bảo vệ quyền lợi trẻ em, bạo lực với trẻ em phải được xem là trọng tội. Với trẻ em, phải được giáo dục để các em, các cháu biết tự vệ tối thiểu, dù là qua số điện thoại khẩn cấp. Hiện Nhà nước đã có đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em: 111; 113; 1900.54.55.59; 1800.90.69, nhưng nên chăng chỉ dùng 1 số (111), để các em dễ thuộc, dễ nhớ, dễ gọi?

Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành trong thời gian qua nhưng những bản án đưa ra dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe. Số vụ bạo hành trẻ em vẫn gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ và sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, khi một đứa trẻ bị bạo hành trong gia đình thì ai sẽ là người chìa tay ra cứu?

Làm sao để đừng xảy ra thêm những vết cứa đau lòng...

Những con số đáng lo ngại

Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp, tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước. Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%; 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca.

Đối với các ca bị xâm hại tình dục, có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58,2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ 2020), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25,4%, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen chiếm 31,1%; bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23,8%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số liệu khác của Bộ Công an, cũng rất đáng lo ngại, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại cho trẻ đều thân, quen với nạn nhân.