Ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội tổ chức cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 đi trải nghiệm tại trang trại Cánh Buồm Xanh, Gia Lâm, Hà Nội. Khoảng 11h, học sinh ăn trưa tại trang trại. Các món ăn gồm cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh quy.

Tuy nhiên, khoảng 14h cùng ngày, đoàn về đến trường, một số học sinh đau bụng, nôn. Vài giờ sai, nhiều em khác cũng có biểu hiện tương tự và được đưa vào các bệnh viện để theo dõi, điều trị.

Hiện tình hình sức khoẻ của đa số học sinh đã ổn định

Nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra ở nhiều nguồn

Đánh giá về nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường hợp này, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí cả nước uống. Vì vậy, ông đánh giá món ăn có thể không phải thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm mà do con người lúc chế biến và vận chuyển.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, quá trình lựa chọn thực phẩm dù rất tốt, tươi sống, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vẫn có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn. Qua báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm, chuyên gia lo ngại thức ăn bị nhiễm vi sinh vật ở khâu nấu nướng và vận chuyển.

"Nhà trường nấu rồi cho thực phẩm vào các dụng cụ và vận chuyển đến trang trại với số lượng lớn như vậy nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ xảy ra. Nếu hộp đựng thức ăn không sạch sẽ, người chia phần ăn tay chưa vệ sinh, đầu tóc, quần áo không đảm bảo cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc", PGS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.

Trong số hơn 900 học sinh tham gia dã ngoại nhưng có hơn 70 học sinh phải đi cấp cứu dù ăn cùng món. Về vấn đề này, PGS Thịnh lý giải có học sinh chỉ xuất hiện dấu hiệu nhẹ, có em lại phải vào cấp cứu là vì mức độ tiêu thụ thực phẩm khác nhau.

"Có trẻ ăn nhiều, có bé lại ăn ít. Nếu học sinh càng ăn nhiều thì lượng độc tố đi vào cơ thể càng cao. Ngoài ra, tình trạng tùy theo thể trạng sức khỏe từng người mà mức độ ngộ độc có thể khác nhau. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn", chuyên gia này cho biết.

Làm gì để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi dã ngoại?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, hiện nay nhiều trường tổ chức đi tham quan vào ngày lễ, ngày nghỉ cho học sinh vui vẻ, thoả sức khám phá. Chính vì vậy trước mỗi chuyến đi dã ngoại như vậy cần chuẩn bị rất cẩn thận cho học sinh.

Việc tổ chức các chuyến dã ngoại cho học sinh cần được tổ chức cẩn thận, kỹ lưỡng (Ảnh minh họa)

"Sự việc đáng tiếc trên chỉ mang tính cá biệt nhưng cũng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Theo tôi, điều quan trọng nhất nhà trường khi tổ chức cho trẻ đi dã ngoại phải tổ chức cho tốt.

Việc thứ 2 nếu đã nghĩ đến chuyện mang thức ăn từ trường hoặc ký hợp đồng với đơn vị cung cấp cần phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ cơ sở đó. Qua sự việc này trách nhiệm phần lớn ở cơ sở nấu ăn nhưng nhà trường phải có trách nhiệm rút kinh nghiệm", Nguyên giảng viên Đại học Bách Khoa nêu ý kiến.

PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, muốn có chuyến đi tham quan trọn vẹn, ban giám hiệu nhà trường phải quá trình kiểm tra chứ không buông xuôi, qua loa.

"Tôi cho rằng các trường cần yêu cầu rất rõ cơ sở nấu ăn phải tuân theo yêu cầu của mình, đồng thời yêu cầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Tin tưởng đơn vị cung cấp thực phẩm nhưng sinh mệnh của học sinh quan trọng hơn nhiều vì các cháu còn nhỏ, cơ thể còn mẫn cảm nên thực phẩm cần đặc biệt quan tâm", PGS Nguyễn Duy Thịnh nói thêm.