Từ đầu năm tới nay, số ca ho gà ở Hà Nội gấp 15 lần năm 2023
Theo thông tin từ báo An ninh Thủ đô, trong tuần này (từ ngày 8 đến 15/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà.
Trường hợp thứ nhất là bé trai 1 tháng tuổi, ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Trường hợp thứ hai là bé trai 4 tuần tuổi, ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh. Diễn biến này là khá bất thường. Đa phần bệnh nhân là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, ho gà là bệnh nguy hiểm do lây lan mạnh hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi và nhiều biến chứng khác…
Vì thế, các chuyên gia lưu ý, nếu thấy trẻ có các biểu hiện điển hình như ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt; ăn kém, nôn trớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám sớm.
Bệnh ho gà lây truyền qua đường nào?
Ho gà là bệnh nhiễm trùng cấp nên thường lây lan nhanh và có khả năng bùng phát thành dịch. Người là ổ chứa bệnh duy nhất, và là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ nhỏ. 80% những người tiếp xúc cùng hộ gia đình với người bệnh rất dễ bị lây. Bệnh ho gà lây nhiễm mạnh nhất là ở giai đoạn 2 tuần đầu kể từ thời điểm khởi phát dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Bệnh ho gà có thể lây qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi khi người bệnh nôn hoặc khạc nhổ. Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cảnh báo, bất kỳ đối tượng ở độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, dân tộc, vùng địa lý đều có thể mắc bệnh ho gà.
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh ho gà là gì?
Các triệu chứng bệnh ho gà thường phát triển trong vòng 5-10 ngày kể từ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Biểu hiện bệnh ho gà thường bắt đầu với các triệu chứng như đau họng, cảm lạnh, ho và sốt nhẹ. ThS.BS Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết, những cơn ho gà sẽ ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Theo Cục Y tế Dự phòng, triệu chứng nhận biết bệnh ho gà sẽ tiến triển khác nhau qua các giai đoạn như sau:
Thời kỳ ủ bệnh: Bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình khoảng 9-10 ngày), ở thời kỳ này chưa có triệu chứng gì.
Giai đoạn viêm long đường hô hấp: Kéo dài khoảng 1-2 tuần, xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh viêm đường hô hấp như sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi. Cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn.
Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1-6 tuần, có những trường hợp đặc biệt có thể kéo dài trên 10 tuần với các biểu hiện cơn ho điển hình như:
- Ho: Trẻ ho rũ rượi, ho thành từng cơn; mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần, khiến trẻ có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi
- Thở rít vào: Xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho.
- Khạc đờm: Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà, đây cũng là một nguồn lây bệnh.
Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái phát lại gây viêm phổi.
Triệu chứng ho gà ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ hơn, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng, thường khỏi bệnh sau 7 ngày.
Nguồn: VNVC
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....