Trong công văn vừa gửi các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, khu vực Thủ đô sẽ có những ngày rét đậm, rét hại.

Để bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh, Sở GD&ĐT đề nghị các quận, huyện, trường học thường xuyên theo dõi thông tin nhiệt độ ngoài trời ở khu vực Hà Nội trong những ngày rét đậm, rét hại. Nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C thì học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ ở nhà. Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C thì học sinh THCS được nghỉ.

Về căn cứ nhiệt độ, Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương cập nhập bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh H1) vào 6h sáng hằng ngày.

Học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ khi trời rét dưới 10 độ C.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Các trường có tổ chức bán trú cần đặc biệt quan tâm bảo đảm cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Các trường, nhóm lớp mầm non cần bảo đảm có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ em.

Các đơn vị, trường học lưu ý, không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày trời rét.

Trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.

Mẹo giữ ấm và chăm sóc trẻ nhỏ khi trời lạnh
Theo BS. Bùi Thị Yến Nhi - BV ĐH Y Dược TP.HCM Cơ sở 3 cho biết, hệ hô hấp của trẻ nhỏ so với người lớn chưa hoàn thiện như niêm mạc có nhiều mạch máu, hàng rào niêm mạc mũi kém, khả năng sát trùng của niêm dịch kém, lỗ mũi hẹp, khoang hầu nhỏ ngắn, do đó khi hít thở không khí khả năng lọc sạch kém và không được sưởi ấm đầy đủ...

Do đó, khi thời tiết lạnh, trẻ em dễ bị tổn thương sớm nhất và nhanh nhất do khả năng miễn dịch đang ở mức thấp và các cơ chế bảo vệ chưa hoàn thiện đầy đủ, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, niêm mạc thanh - khí - phế quản dễ bị phù nề, xuất tiết, biến dạng khi bệnh.

BS. Bùi Thị Yến Nhi đưa ra một số mẹo giữ ấm và chế độ sinh hoạt, ăn uống để cho trẻ khỏe mạnh trong thời tiết giá lạnh:

Phương pháp quần áo "xếp lớp" khi đi ra ngoài: Mặc quần áo phù hợp sẽ giúp che chắn cho trẻ nhỏ khỏi cái lạnh giá buốt bên ngoài. Hãy chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng khí và mặc thành nhiều lớp thay vì chỉ mặc một lớp quần áo dày cộm, cồng kềnh.

Găng tay, khăn quàng cổ, tất dài, giày cao cổ, mũ len hoặc mũ lưỡi trai vừa vặn trùm lên mũ của áo khoác sẽ bảo vệ được đôi bàn tay, cổ, bàn chân, đầu và tai khỏi lạnh. Sau khi hoạt động ở ngoài vào, hãy kiểm tra bụng, bàn tay và chân của trẻ. Bàn tay, chân phải mát, không lạnh hoặc ấm; bụng trẻ phải ấm, không mát hoặc nóng. Nếu bụng, bàn tay/chân quá ấm điều đó nghĩa là chúng ta đã mặc quá nhiều cho trẻ; còn nếu bụng, bàn tay/chân lạnh thì hãy ủ ấm ngay và ghi nhớ lần sau mặc thêm lớp cho trẻ.

Ngôi nhà ấm nhưng không ẩm: Một số cha mẹ có thói quen đóng kín tất cả các cửa để giữ nhiệt độ trong phòng sẽ tạo điều kiện cho ẩm mốc và vi khuẩn sinh sôi, không tốt cho bé.

Vì vậy, cần tạo luồng lưu thông không khí thích hợp ở trong nhà cũng như trong phòng các bé. Mở cửa sổ, cửa ra vào trong ít phút khi mặt trời chiếu sáng để không khí tươi mới có thể lưu thông khắp phòng, do ánh mặt trời là một tác nhân khử trùng tự nhiên và "rẻ" nhất.

Nếu ngày nào đó không có mặt trời, bạn có thể mở cửa trong khoảng 10h-14h, khi mà nhiệt độ lên cao nhất trong ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng máy sưởi, máy hút ẩm không khí, máy lọc không khí để làm sạch, làm ấm và điều hòa độ ẩm không khí hít vào.

Cho trẻ uống nước thường xuyên: Trẻ thường không có cảm giác thấy khát trong thời tiết giá lạnh, nhưng không đồng nghĩa là cơ thể của chúng đã đủ nước. Uống nước đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, ngăn ngừa tình trạng mất nước trong mùa đông và bảo vệ hệ miễn dịch trước các tác nhân gây cảm lạnh. Vì vậy, hãy đảm bảo luôn có sẵn nước ấm để trẻ uống chia đều trong cả ngày, tránh tập trung uống một lượng lớn mỗi lần.

Thay đổi thời gian tắm: Nên cho trẻ tắm sớm bằng nước ấm, giảm bớt thời lượng tắm, không để trẻ ngâm mình dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước nóng quá lâu vì có thể sẽ gây mất độ ẩm tự nhiên của da. Sau khi tắm, nên bôi, mát xoa cho bé bằng các loại dầu dưỡng ẩm như dầu mè, dầu oliu, dầu hạnh nhân. Không nên vì quá lạnh mà không tắm cho trẻ trong 2-3 ngày, sẽ không đảm bảo vệ sinh cá nhân và dễ gây bệnh.

Hoạt động ngoài trời: Trời lạnh không đồng nghĩa trẻ phải đắp chăn ở trong nhà cả ngày. Để đảm bảo lượng vận động cần thiết hàng ngày, tăng cường thể lực và khả năng miễn dịch cần cho trẻ ra ngoài để vận động, thể dục. Trang bị quần áo đúng cách, tránh ra ngoài vào sáng sớm. Cho bé tham gia các hoạt động, trò chơi vào buổi chiều sớm (14h-16h), mang theo quần áo lót mỏng ở trong để thay cho trẻ sau khi vận động tránh mặc đồ ẩm kéo dài do ra mồ hôi.

Dinh dưỡng mùa lạnh: Chế độ ăn uống là điều quan trọng hàng đầu để tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ. Cần cân đối lượng đạm, dầu/mỡ, tinh bột, rau xanh... để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho cơ thể chống chọi với cái lạnh. Ngũ cốc nguyên hạt như gạo, yến mạch, các loại đậu hạt, ngô, khoai... có thể nấu thành dạng súp, cháo, sữa hạt hoặc làm bánh để đảm bảo tăng cường độ làm ấm cơ thể.

Cần chú ý bổ sung thêm tỏi vào thực đơn do hiệu quả kháng virus của nó đã được chứng minh. Cà rốt, củ cải trắng, khoai lang, rau xanh các loại, táo, lựu, cam/quýt, trái cây ít đường... nên xuất hiện thường xuyên trong chế độ ăn của trẻ vì chúng cung cấp nhiều vitamin (nhất là vitamin C, vitamin A, kẽm...) tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên, làm giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. Nước uống luôn phải được giữ ấm, bổ sung nước ép trái cây hoặc sữa ấm sau mỗi lần hoạt động ngoài trời về cho trẻ giúp cung cấp năng lượng một cách hoàn hảo.