Triệu chứng sốc phản vệ do dị ứng thức ăn
(Ảnh minh họa) |
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân sau khi ăn cá thu 30 phút xuất hiện tình trạng khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt.
Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí và chẩn đoán theo phác đồ phản vệ, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, đang được điều trị tích cực.
Theo các bác sĩ, dị ứng thức ăn là một phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi cơ thể tiếp nhận những protein đặc biệt thông qua đường ăn uống. Đây là một loại phản ứng của hệ miễn dịch khi các protein đặc biệt này gây nên các phản ứng dị ứng của cơ thể.
Những triệu chứng dị ứng thức ăn
Sốc phản vệ do thức ăn không phải là trường hợp hiếm gặp, có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn, những thực phẩm thường gây dị ứng là hải sản, trứng, sữa, dứa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành và các chất phụ gia.
Tình trạng dị ứng với thành phần protein trong thức ăn có thể là cấp tính (xảy ra một cách đột ngột) hoặc mạn tính (xảy ra trong một thời gian dài).
Có một số người, phản ứng dị ứng triệu chứng rất nhẹ, có thể gây không thoải mái nhưng cũng không nghiêm trọng với cơ thể.
Nhưng một số trường hợp lại rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn. Các triệu chứng thường gặp:
- Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
- Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở.
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu, da nhợt nhạt, tím tái, toát mồ hôi.
Trường hợp dị ứng thức ăn có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng với các triệu chứng như: Hạn chế và thắt chặt đường thở; Cổ họng bị sưng hoặc cảm giác bị nghẹn ở cổ họng khiến cho quá trình thở khó khăn; Sốc với sự giảm huyết áp đột ngột và nghiêm trọng; Mạch đập nhanh; Chóng mặt hoặc mất ý thức.
Trong trường hợp người mắc bị sốc phản vệ cần phải điều trị khẩn cấp ngay lập tức, nếu không bệnh nhân hôn mê thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức, khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn gồm: Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình có người bị hen suyễn, nổi mề đay, chàm, con cái có nguy cơ cao bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó nếu bố mẹ chúng cũng dị ứng.
Nếu đã có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn cụ thể, có thể cơ thể sẽ tăng nguy cơ dị ứng với những loại thức ăn khác. Và nếu đã có phản ứng dị ứng với thức ăn thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Dị ứng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Với những đứa trẻ đã bị dị ứng thức ăn thì khi già đi cơ thể sẽ ít có khả năng hấp thụ thức ăn hoặc các thành phần thức ăn đã gây dị ứng.
Thói quen ăn uống không khoa học thường dễ dẫn đến tình trạng dị ứng thực phẩm. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, các loại hạt, sữa, trứng,… Hen suyễn và dị ứng thức ăn thường xảy ra cùng nhau.
Xử trí khi dị ứng thức ăn
Theo bác sĩ Trí Thức, khi bị dị ứng thức ăn, nếu nhẹ, cần ngừng ngay thức ăn gây dị ứng, có thể sử dụng kháng histamin để giảm bớt các phản ứng dị ứng, giảm nổi mề đay, phát ban, phù nề,…
Trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng, ngừng ngay thức ăn gây dị ứng và cấp cứu kịp thời. Có thể sử dụng epinephrine tiêm tĩnh mạch. Sau đó sử dụng một trong 2 phương pháp: liệu pháp miễn dịch đường uống và Anti - IgE.
Tất cả những phương pháp trên đều dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Đề phòng dị ứng thức ăn, mọi người cần tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.
Xem kỹ thành phần in trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Nếu sử dụng thức ăn chế biến sẵn không có nhãn mác, cần cẩn trọng và hỏi đầu bếp về thành phần có trong thức ăn. Không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu, ẩm mốc,…
Tập thói quen ăn uống tại nhà, hạn chế ăn uống lề đường. Nếu trong trường hợp đi xa, có thể mang theo thức ăn đã chế biến, cẩn trọng với những thức ăn không rõ nguồn gốc.
Đối với trẻ nhỏ, nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để hạn chế tình trạng dị ứng thức ăn. Gia đình cần báo cho giáo viên, bảo mẫu, người chăm sóc trẻ nếu con bạn có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Đồng thời, người lớn cần tìm hiểu thông tin, kiến thức về dị ứng thực phẩm để có thể xử lý trong tình huống khẩn cấp.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....