Nhiều hiểu lầm

Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường 7s lại có người tử vong do đái tháo đường gây ra. Căn bệnh này đã khiến Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú – Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam qua đời ở tuổi 56.

Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường cho biết người dân vẫn còn rất nhiều hiểu lầm về đái tháo đường như khi nào đi đái có kiến bu mới gọi là đái đường.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Liễu – 47 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng chân bị loét nặng và phải cắt bỏ chân đến gần đầu gối. Bà Liễu cho biết từ trước tới nay vẫn khoẻ mạnh, đi làm bình thường. Cách đây nửa tháng, bà Liễu bị một cái mảnh thuỷ tinh xiên vào giữa lòng bàn chân. Chỉ vết thương nhỏ rướm máu vài ngày sau đỏ ửng và sưng tấy và bắt đầu hoại tử. Vết hoại tử to như nắm tay ở chân nhìn thấu xương.

Cần thử đường máu để xem mình có bị đái tháo đường không. Ảnh minh họa: Internet

Bà Liễu đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông bác sĩ cho biết đó là biến chứng đái tháo đường, đường máu lúc đói xét nghiệm lên tới 27 mmol/l. Lúc này, bà Liễu mới biết mình mắc đái tháo đường tuyp 2. Từ trước tới nay, bà cứ nghĩ chỉ ăn ngọt, béo phì, đi đái có kiến bu mới là đái tháo đường còn người gày như bà, ghét đồ ngọt thì không thể bị bệnh.

Thạc sĩ Cường cho biết đây là những hiểu lầm phổ biến mà ông gặp. Nhiều bệnh nhân biến chứng nặng như mờ mắt, da lở loét mới đến gặp bác sĩ lúc này đường huyết đã cao chót vót bệnh nhân phải tiêm insulin kiểm soát đường huyết.

Biểu hiện triệu chứng

Thạc sĩ Cường cho biết biểu hiện lâm sàng xuất hiện rầm rộ trong đái tháo đường tuýp 1. Bệnh nhân thường đột ngột có các biểu hiện đái nhiều, khát nước, uống nhiều và gày sút rất nhanh và có thể hôn mê.

Người đáo tháo đường tuýp 2 chủ yếu được phát hiện ngẫu nhiên khi đi khám sức khoẻ định kỳ, hoặc khi đi khám mắt, hoặc chuẩn bị mổ nên làm xét nghiệm thấy đường máu tăng cao, các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ thiếu insulin, giai đoạn đầu thường không rõ ràng như giảm thể lực chung, đái nhiều, uống nhiều và giảm cân (mất nước). Ăn kém ngon (thường ở đái tháo đường tuype 1), đói nhiều (giai đoạn tăng insulin máu ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2).

Ngoài ra, người bệnh có triệu chứng như dễ bị nhiễm khuẩn da lâu lành, ngứa vùng sinh dục; nhiễm khuẩn tiết niệu; lao phổi, rối loạn thị lực: nhìn mờ. Chuột rút bắp chân ban đêm, giảm ham muốn tình dục, liệt dương, mãn kinh.

Bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đương. Ảnh minh họa: Internet

Ở người già bệnh đái tháo đường có tình trạng lú lẫn, chóng mặt và ngã (do mất nước). Nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh trong tình trạng hôn mê tăng đường máu.

Với loại đái tháo đường tuýp 1: cần đến bệnh viện xét nghiệm đường máu khi có các biểu hiện đái nhiều, uống nhiều, gày sút cân nhanh sẽ chẩn đoán được bệnh.

 Với người đái tháo đường tuýp 2: không nên chờ có triệu chứng mới đi làm xét nghiệm vì như vậy thường là muộn. Nên làm xét nghiệm một cách định kỳ 1-3 năm/lần mới giúp chẩn đoán bệnh đái tháo đường sớm. Thạc sĩ Cường nhấn mạnh đái tháo đường không phải là bệnh 'đái ra đường’ do vậy càng không nên nhờ vào đội ngũ 'ruồi và kiến’ như trong thời kỳ lac hậu trước đây.

Khi đi khám bệnh, có hai xét nghiệm mà bác sỹ có thể sử dụng để kết luận bạn có nằm trong diện tiền đái tháo đường hay không. Đó là: xét nghiệm đường máu và kiểm tra dung nạp glucose qua đường uống (oral glucose tolerance test).

Thi thử đường huyết lúc đói, nếu giá trị đo được nằm trong khoảng 100 đến 125 mg/dL (5,6-6,9mmol/) thì được chẩn đoán là "Rối loạn đường huyết lúc đói".

Khi xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống, đường huyết sẽ được đo sau khi uống nước đường 2 giờ. Nếu giá trị đo được nằm trong khoảng 140 đến 199 mg/dL (7,8-10,9mmol/l) thì sẽ bị chẩn đoán là “Rối loạn dung nạp Glucose”.

Thạc sĩ Cường cho biết những người tiền đái tháo đường cũng bị gia tăng nguy cơ mắc bênh tim và đột quỵ, vì vậy bác sỹ  có thể muốn điều trị hoặc tư vấn cho bạn về các yếu tố nguy cơ tim mạch, ví dụ như hút thuốc lá, cao huyết áp và tăng cholesterol.

Đặc biệt, thạc sĩ Cường khuyến cáo đái tháo đường đang trẻ hoá thậm chí ghi nhận trẻ 8 - 9 tuổi đã bị đái tháo đường tuyp 2. Thạc sĩ Cường khuyên bất cứ ai cũng nên thử đường máu của mình để phát hiện đái tháo đường sớm.