Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm nhiễm độc hóa chất, ôi thiu… có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực thường xảy ra sau bữa ăn.

Người bệnh biểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, có khi nổi dị ứng, mệt mỏi, choáng, sốt… Dân gian có nhiều món ăn, rau củ chữa trị. Bạn đọc có thể tham khảo sử dụng.

Một số rau củ thường dùng trị ngộ độc thực phẩm

Đậu xanh

Theo Đông y, đậu xanh vị ngọt, tính mát, mùi hơi tanh. Tác dụng bổ tỳ, lợi ngũ tạng, thanh nhiệt, giải tất cả các chất độc. Trị dị ứng, ngộ độc thực phẩm, nước uống…

Cách dùng: Lấy 100g đậu xanh hoặc hơn, giã sống pha nước uống. Hoặc nấu nước uống, nấu cháo ăn khi phục hồi nhưng còn dư độc trong cơ thể.

Đậu xanh giã sống pha nước uống trị dị ứng, ngộ độc thực phẩm,…

Lá tía tô

Theo Đông y, lá tía tô vị cay, tính ấm, không độc. Công dụng phát tán phong hàn, tiêu thực, khai vị… Dân gian thường dùng chữa trị các chứng dị ứng, ngộ độc do ăn cua, ghẹ, tôm, cá, mắm, hải sản các loại. Người bệnh biểu hiện dị ứng mẩn ngứa, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy; hoặc khớp đau nhức (gút).

Cách dùng: Lấy một nắm lá tía tô (100g) hoặc hơn, giã nát vắt nước cốt. Uống nước tía tô hoặc lá tía tô ăn sống đều được.

Rau muống

Theo Đông y, rau muống vị ngọt, tình mát, không độc, công dụng thanh nhiệt. Tác dụng giải các chất độc, sinh da thịt, tiêu thủy thũng, giải các chất độc do ăn uống…

Cách dùng: Lấy một nắm rau muống (khoảng 200g) hoặc hơn rửa sạch. Giã vắt nước cốt uống hoặc sắc lấy nước uống.

Rau muống giã nát vắt nước cốt uống, tác dụng giải các chất độc, sinh da thịt, tiêu thủy thũng,…

Rau răm

Theo Đông y, rau răm vị cay, tính ấm. Công dụng tiêu thực, sát trùng, tán hàn… Chữa ngộ độc do ăn tôm, cua, cá, trứng, gây bụng đầy đau, dị ứng rất hiệu quả.

Cách dùng: Rau răm tươi giã lấy nước cốt uống, hoặc ăn sống.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.

Khoai từ

Theo Đông y, khoai từ vị ngọt, tính mát, hơi độc. Công dụng ích tỳ vị, mát phế sinh tân, giải độc. Trị các chứng ngộ độc thực phẩm, thuốc…

Cách dùng: Khoai từ bỏ vỏ, thát lát giã sống uống cho nôn ra thức ăn nhiễm độc. Hoặc nấu canh ăn thời kỳ phục hồi sau ngộ độc thực phẩm.

Khoai từ nấu canh ăn tốt cho thời kỳ phục hồi sau ngộ độc thực phẩm.

Lá đinh lăng

Theo Đông y, lá đinh lăng vị ngọt hơi đắng, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, trừ tà… Chữa đau đầu dị úng mẩn ngứa do ăn cá tôm, hải sản.

Cách dùng: Hái một nắm lá đinh lăng để ăn gỏi. Hoặc rửa sạch, giã vắt nước cốt uống. Hoặc ăn sống, sắc nước uống đều được.

Tỏi

Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, hơi có độc. Tác dụng khai vị kiện tỳ, trừ chứng khí lạnh ôn dịch, tiêu độc ung nhọt, phá trưng hà báng tích. 

Ngoài ra còn giúp tiêu hóa thức ăn từ cá hoặc thịt, giải được nọc rắn… Chữa các chứng do ăn phải cá, thịt gây đau bụng, đầy bụng, ói mữa, tiêu chảy, dị ứng.

Cách dùng: Lấy 2-3 tép tỏi tươi nhai sống, hoặc giã pha nước uống.