Tại sao trẻ sơ sinh hay bị nấc cụt?

Nấc cụt là một phản xạ do kích thích dây thần kinh hoành gây ra sự co thắt đột ngột của cơ hoành ngoài ý muốn tự chủ, tạo nên sự thay đổi áp lực khí đột ngột trong buồng phổi đẩy lên qua thanh đới bằng luồng khí mạnh tạo nên tiếng kêu.

Nấc cụt là hiện tượng sinh lý bình thường thường gặp ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Với những ai lần đầu làm cha mẹ chắc chắn sẽ bối rối khi thấy bé nhà mình bị nấc cụt thường xuyên. Thực tế, bé có thể bị nấc cụt ngay khi con trong bụng mẹ từ tam cá nguyệt thứ hai do nuốt phải nước ối. Còn khi chào đời, bé sơ sinh hay bị nấc cụt vì những nguyên nhân sau:

Trào ngược dạ dày thực quản: Khi hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và còn non nớt dẫn tới sự trào ngược thức ăn và axit trong dạ dày tác động lên các tế bào thần kinh, làm rung cơ hoành và dẫn tới nấc cụt thường xuyên.

Cho con bú quá no: Khi mẹ cho bé bú quá no, dạ dày của bé có khả năng to và giãn ra. Khoang bụng bị giãn nỡ đột ngột làm co thắt cơ hoành là nguyên nhân trẻ sơ sinh hay bị nấc cụt.

Nuốt nhiều khí vào bụng: Trường hợp này xảy ra với các bé bú bình, bé có thể nuốt quá nhiều không khí trong bình vì sữa trong bình chảy nhanh hơn so với bú mẹ trực tiếp. Chính điều này khiến cho dạ dày to và giãn ra gây nấc cục và khó chịu cho bé.

Cách bú không đúng cách làm trẻ nuốt không khí quá nhiều gây nên nấc - Ảnh minh họa: Internet

Dị ứng: Trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với một số protein trong sữa công thức hoặc sữa mẹ, do đó dẫn đến hiện tượng viêm thực quản và khiến bé bị nấc.

Hen suyễn: Hen suyễn làm hạn chế luồng không khí vào phổi của bé. Nó có thể dẫn đến sự chuyển động co thắt của cơ hoành và khiến bé bị nấc.

Thay đổi nhiệt độ đột ngột: Thường là trong trường hợp nóng đột ngột chuyển sang lạnh vì lúc này bé dễ bị nhiễm lạnh, phổi chưa kịp thích ứng nên gây ra nấc hoặc ho.

Trẻ sơ sinh hay bị nấc cụt có sao không là lo lắng của nhiều bậc làm cha mẹ. Từ 2 đến 3 tháng tuổi bé sẽ nấc nhiều nhất và giảm dần khi bé lớn. Bố mẹ không cần phải lo lắng vì nấc cụt không làm ảnh hưởng gì nhiều đến sức khoẻ của bé.

Do nấc cụt ở người lớn thường khó chịu nên chúng ta thường nghĩ rằng nó cũng sẽ làm cho bé khó chịu. Thực tế, bé sơ sinh hay bị nấc cụt vẫn có thể ngủ mà không bị quấy rầy, nấc cụt không gây cản trở hoặc ảnh hưởng đến hơi thở của bé.

Tuy nhiên, nếu bạn quan sát thấy trẻ nấc liên tục kéo dài hơn 48 giờ kèm theo cảm giác khó chịu thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào khác.

Trẻ sơ sinh hay bị nấc cụt cha mẹ không nên quá lo lắng - Ảnh minh họa: Internet

Cách chữa nấc cụt theo cách đơn giản và hiệu quả cho bé

Trẻ sơ sinh hay bị nấc cụt sẽ nấc từ 2 – 3 phút và sẽ tự khỏi, nhiều bé sẽ bị nấc cụt nhiều lần trong ngày tuỳ thuộc vào cơ địa của từng bé.

Đối với người lớn khi bị nấc chỉ cần hít thật sâu và giữ hơi lâu một chút hoặc uống nước kèm nín hơi thì cơn nấc tự nhiên sẽ hết. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh quá nhỏ để có thể hiểu áp dụng được những cách này. Vì vậy, để giúp trẻ nhanh hết cơn nấc cụt, mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau đây:

Vỗ ợ hơi cho bé

Khi con bị nấc cụt mẹ có thể chụm bàn tay lại và vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hết không khí trong bụng. Mẹ nên vỗ nhẹ nhàng và dứt khoát, không nên vỗ quá mạnh hoặc vỗ nhiều lần quá nhẹ. 

Giữ bé đứng thẳng

Nếu trào ngược dạ dày là nguyên nhân khiến trẻ hay bị nấc cụt thì mẹ nên giữ thẳng trẻ sau khi con con bú khoảng 30 phút, điều này sẽ ngăn con bị trớ sữa và nấc.

Sau khi cho bú, mẹ ẵm bé đứng thẳng và vỗ ợ hơi là cách trị nấc hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Massage lưng cho bé

Massage nhẹ nhàng sẽ giúp các cơ của bé được thư giãn từ đó cơ hoành cũng giảm co thắt. Mẹ nên giữ bé đứng thẳng và dùng bàn tay xoa nhẹ nhàng từ lưng lên vai của bé.

Bịt nhẹ hai lỗ tai

khi thấy trẻ bị nấc, mẹ dùng hai ngón trỏ bịt hai lỗ tai của con trong khoảng 30 giây rồi bỏ ra, lặp lại 2 – 3 lần. Cách này giúp bé hết nấc nhanh chóng, mẹ lưu ý làm nhẹ nhàng để không làm đau tai trẻ.

Làm bé phân tâm

Cũng giống như người lớn, nếu trẻ không tập trung vào cơn nấc nữa thì nó có thể tự biến mất. Mẹ có thể cho bé chơi đồ chơi yêu thích, ngậm núm vú giả hoặc chơi ú oà với trẻ.

Cho trẻ bú đúng tư thế

Nếu cho trẻ bú mẹ thì hãy điều chỉnh tư thế bú của bé để miệng bé bao trùm được đầu ti của mẹ. Nếu bé bú bình, mẹ hãy điều chỉnh núm vú phù hợp để trẻ không nuốt quá nhiều không khí vào bụng. Bú đúng cách và đúng tư thế sẽ hạn chế bé nuốt quá nhiều không khí vào bụng gây nên nấc cụt.

Cho bé bú mẹ hoặc uống nước

Nếu trẻ bị nấc cụt trước khi ăn thì mẹ có thể cho bé bú để bé bình tĩnh hơn. Khi bé được thư giãn, các cơ hoành cũng được thả lỏng giúp loại bỏ nấc cụt nhanh chóng. Đối với các bé trên 6 tháng, mẹ cũng có thể cho bé uống một chút nước để làm dịu cơn nấc của bé.

Trẻ bắt vú đúng cách sẽ làm giảm hiện tượng nấc cụt - Ảnh minh họa: Internet

Một vài mẹo dân gian chữa nấc cho trẻ sơ sinh

Lấy cuốn chiếu, đuôi lá trầu hoặc một mẩu giấy dán lên trán giữa đầu trong lông mày của trẻ.

Nhai lá trầu không rồi lấy bã dán vào trán bé.

Mẹ dùng ngón tay gãi nhẹ lên môi hoặc mang tai của bé, vừa gãi vừa đếm dần từ 50 trở xuống, bé sẽ chấm dứt cơn nấc hiệu quả.

Điều quan trọng là cha mẹ không nên áp dụng các phương pháp chữa nấc như làm trẻ giật mình hoặc kéo lưỡi trẻ. Những phương pháp này có thể có tác dụng với người lớn nhưng lại không tốt với trẻ sơ sinh.

Mẹo dân gian trị nấc cụt bằng lá trầu không - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài việc trị nấc cụt có một số cách ngăn ngừa hiện tượng nấc ở trẻ mẹ nên áp dụng như:

  • Đảm bảo không gian yên tĩnh và không để bé quá đói đến mức quấy khóc mới cho bú sữa. Khi bé khóc nhiều sẽ nuốt nhiều hơi gây nấc.
  • Thay vì cho trẻ bú quá nhiều một lần, các mẹ hãy chia thành nhiều bữa bú với số lượng ít hơn.
  • Nếu cho trẻ bú bình, mẹ có thể lựa chọn những bình bú có van chống sặc hoặc chống đầy hơi.
  • Lựa chọn kích cỡ núm vú phù hợp với độ tuổi của con, núm vú quá lớn làm bé nuốt lượng không khí nhiều khi bú.
  • Sau khi cho con bú no nên để trẻ đứng thẳng từ 10 - 15 phút, vỗ ợ hơi vừa ngăn nấc vừa tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ. Mẹ cũng không cho bé hoạt động nhiều sau khi bú no vì có thể làm bé trớ sữa.
  • Luôn giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng lúc.

Dù trẻ lớn hay sơ sinh đều có thể bị nấc cụt, nếu bé cảm thấy thoải mái khi bị nấc cha mẹ không cần phải lo lắng quá. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh hay nấc cụt kèm theo các dấu hiệu bất thường khác thì hãy đưa bé đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh những hậu quả nghiêm trọng.