Không giống như nhiều nơi trên thế giới, trẻ em Nhật Bản đã được dạy cách tự lập từ rất sớm. Từ lúc 7 tuổi, trẻ đã tự di chuyển bằng tàu điện một mình. Ban đầu các bậc cha mẹ khá lo lắng cho sự an toàn cho con của họ, nhưng khi chứng kiến những đứa trẻ khác có thể tự làm được điều đó một cách an toàn, họ đã dẹp nỗi bất an sang một bên.

Trẻ em ở Nhật Bản học cách tự lập từ rất sớm

Việc để trẻ tự di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng là điều còn khá xa lạ với nhiều quốc gia khác, nhưng lại là điều hết sức bình thường tại Nhật Bản. Đó cũng là một trong những cách người Nhật rèn tính tự lập cho con trẻ.

Các ông bố bà mẹ Nhật Bản không ngại để trẻ tự đi ra ngoài một mình, mà còn khuyến khích trẻ làm điều đó. Họ tin rằng những việc đơn giản như tự đi bộ đến trường hay những chuyến đi thực tế là hành trang đầu tiên trong việc hình thành tính tự lập cho trẻ. Do vậy, tự lập là một trong những tính cách gần như đã trở thành truyền thống của đất nước mặt trời mọc.

Hầu hết trẻ em ở đây đã trở thành "trợ thủ sai vặt" đắc lực cho bố mẹ khi chỉ mới 2 – 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ sẽ được hướng dẫn thực hiện các công việc đơn giản tại nhà như dọn dẹp hoặc vứt những mẩu rác nhỏ. Không chỉ ở nhà mà trẻ còn được rèn tính tự lập tại môi trường học đường. Khi ở trường, trẻ sẽ phải tập tự ăn, tuyệt đối không được để lại đồ ăn thừa và ý thức làm sạch khu vực ăn của mình sau giờ ăn là điều hết sức bình thường.

Sau giờ học, trẻ phải tự sắp xếp bàn ghế, lau dọn phòng học của mình. Những công việc này được các thành viên trong lớp phân công thực hiện luân phiên giữa các thành viên với nhau. Từ đó, trẻ em sẽ được dạy cách ý thức về giữ gìn môi trường sống xung quanh. Do đó, không lấy làm ngạc nhiên khi đường phố ở Nhật Bản rất sạch sẽ.

Trẻ có thể tự lập nhờ đâu?

Sự độc lập của trẻ em xứ sở Hoa anh đào được hình thành dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Đầu tiên, trẻ sẽ được học về khái niệm “liên kết nhóm” từ rất sớm. Trẻ em được dạy cách hoạt động nhóm hiệu quả, và cách giúp đỡ cộng đồng xung quanh. Ví dụ, một đứa trẻ nếu rơi vào tình huống khó khăn khi ở nơi công cộng, sẽ biết cách nhờ vào sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh như thế nào.

Một trong những nguyên nhân khác để cha mẹ Nhật Bản có thể thoải mái “bỏ rơi” con giữa chốn đông người là nhờ vào cuộc sống an toàn nơi đây. Nhật Bản không chỉ được biết đến là một cường quốc phát triển mà còn là quốc gia có tỉ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Văn hóa đi bộ và nhường đường cho người đi bộ là một nét văn hóa phổ biến ở Nhật Bản. Người dân xứ sở hoa anh đào đã quá quen với việc đi bộ để di chuyển thay cho các phương tiện giao thông nếu khoảng cách không quá xa. Bên cạnh đó, ý thức của người dân Nhật Bản rất cao, họ luôn chủ động dừng xe, nhường đường cho người đi bộ sang đường ngay khi thấy tín hiệu. Nên với phụ huynh Nhật, việc để con trẻ tự băng qua đường là một việc an toàn, và thông qua đó họ có thể rèn tính tự lập cho trẻ.

Một đứa trẻ lên 9 ở Nhật Bản đã có thể tự di chuyển bằng hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt ở Tokyo, điều mà những đứa trẻ từ các quốc gia khác như Anh hay New York vẫn chưa thể làm được. Trước đây, dù chưa có điện thoại hay những phương thức liên lạc hiện đại như bây giờ, việc đi lại khó khăn hơn rất nhiều nhưng trẻ đã có thể tự đi đến đến vị trí mong muốn một cách an toàn.

Trẻ em nơi đây được dạy về tính độc lập từ giai đoạn mẫu giáo. Trẻ phải học cách tự lực, tự làm mọi thứ đơn giản nhất có thể bằng chính mình, chẳng hạn như dọn dẹp. Người Nhật không đòi hỏi quá cao, quá nhiều ở trẻ. Họ quan niệm kiên nhẫn, từng chút một nhưng giúp trẻ nhận ra được trách nhiệm của bản thân mới là điều quan trọng.

Nhật Bản có hẳn một chương trình tivi với tên gọi “Hajimete no Otsukai” - tạm dịch "Công việc nhỏ nhặt đầu tiên". Đây là chương trình dành cho trẻ từ 2 – 3 tuổi thể hiện và rèn khả năng tự lập thông qua việc giúp bố mẹ những công việc đơn giản. Các máy quay của chương trình sẽ bố trí một cách bí mật để đảm bảo hành động của trẻ được bộc lộ một cách tự nhiên nhất. Chương trình đã tạo nên một cơn sốt cho người xem bởi khả năng độc lập và sự dễ thương, hồn nhiên của các bé.

Một trong những lí do tiếp theo, để phụ huynh Nhật an tâm khi để con cái của họ tự đi ra ngoài một mình, là nhờ vào các tổ chức cộng đồng tại đây. Các thành viên trong tổ chức này sẽ là các dân cư xung quanh khu vực, các phụ huynh học sinh cùng nhau “bí mật” giám sát để đảm bảo an toàn và can thiệp kịp thời khi có nguy hiểm xảy ra với trẻ.

Tính tự lập là một kỹ năng mà chúng ta cần rèn luyện suốt đời. Trẻ em nếu được dạy về sự độc lập từ sớm sẽ phát triển khả năng tự lập của bản thân, biết vượt qua mọi khó khăn bằng chính mình và có thể giúp đỡ những người xung quanh. Ở trường học tại Nhật, xe buýt chỉ dừng ở gần trường và trẻ phải tự đi bộ đến trường. Chính sự độc lập được rèn dũa trên nhiều phương diện đã giúp trẻ em Nhật Bản trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều so với trẻ em cùng lứa tuổi ở các quốc gia khác.

Sự tự lập được hình thành từ rất sớm đã giúp trẻ có thể thực hiện các nhiệm vụ đơn giản và gần như làm chủ được cuộc sống của họ từ khi còn rất nhỏ. Và xa hơn nữa, trong tương lai, họ có thể dễ dàng giải quyết những khó khăn cuộc sống. Họ dễ dàng trở thành một người thành công và hiển nhiên con cái của họ sau này cũng sẽ tiếp tục được học về sự tự lập. Đó là một chu kỳ đáng ngưỡng mộ cho tinh thần độc lập của xứ sở mặt trời mọc.

(Theo Japan info)