Trẻ em bao nhiêu tháng tuổi có thể đi máy bay?

Nhìn chung, khi bé nhà bạn được 2 – 3 tháng tuổi, bạn đã có thể cho bé đi máy bay cùng bạn. Ở thời điểm này, hệ miễn dịch của bé đã phát triển và có thể giúp bé chống lại vi khuẩn. Bên cạnh yếu tố sức khỏe, bé cũng đã quen nếp sinh hoạt và điều đó giúp bạn dễ dàng hơn trong việc cho bé bú.

Nếu bạn thật sự cần di chuyển bằng máy bay trước thời điểm này, bạn nên nhận được sự đồng ý của bác sĩ sau khi khám sức khỏe tổng quát cho bé, lúc bé được 2 tuần tuổi. Điều này chỉ được cho phép nếu bạn sinh bé hoàn toàn khỏe mạnh và đủ tháng đồng thời bạn trải qua thai kỳ mà không có bất kỳ biến chứng nào.

Các hãng hàng không thường sẽ không cho phép bé sơ sinh dưới 1 tuần tuổi lên máy bay nếu không có giấy chấp thuận của bác sĩ. Các bé sinh non rất nhạy cảm với vi khuẩn và do đó, thường chỉ được đi máy bay khi đã lớn hơn. Nhân vật thích hợp nhất để trả lời câu hỏi liệu con bạn có thể đi máy bay được, lẽ dĩ nhiên, phải là bác sĩ nhi khoa của bé.

Trẻ em 6 tháng tuổi có nên đi máy bay không?

Mặc dù bé sơ sinh có thể đi máy bay khi mới được 1 tuần tuổi, song sẽ tốt hơn nếu bạn chờ đến khi bé được ít nhất 1 – 1.5 tháng tuổi. Làm thế giúp cả mẹ và con kịp thích nghi. Người mẹ cũng cần nghỉ ngơi, nhất là nếu họ vừa sinh mổ. Còn đối với trẻ nhỏ, đặc biệt nếu bé bị ho hay cảm lạnh, bé sẽ dễ mắc phải tình trạng có tiếng kêu lắc rắc trong tai – cực kì khó chịu – trong khi ngồi trên máy bay.

Nhìn chung, thời gian này bạn cần hạn chế con bạn tiếp xúc với đám đông để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Các chuyến đi lại là cơ hội để bé có điều kiện tiếp xúc với các loại bệnh do virus hay bệnh nhiễm trùng. Sân bay, máy bay và các cuộc gặp gỡ gia đình không phải là nơi lý tưởng cho bé sơ sinh hay bé chưa đầy năm.

Những lưu ý phụ huynh cần biết khi cho trẻ đi máy bay

 - Chuẩn bị trước một túi nhỏ mang theo bạn lên máy bay gồm có: bỉm, khăn giấy ướt, chăn em bé, túi nilon đựng bỉm đã thay và một ít quần áo sạch cho bé. Bạn nên để túi này dưới chân mình để tiện lấy ngay khi cần thiết. Ngoài ra bạn nên chuẩn bị 1-2 chiếc áo sạch cho chính mình đề phòng bé trớ ra người bạn. Nếu được, bạn có thể mang thêm 1-2 món đồ chơi bé yêu thích để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Một số bà mẹ thậm chí mang theo một ít đồ ăn vặt giàu năng lượng hoặc trái cây để ăn khi cảm thấy mệt mỏi vì việc chăm sóc bé.

- Nên chọn chỗ ngồi trên đầu khoang để cả mẹ và bé được thoải mái hơn vì  sẽ có nhiều chỗ để đồ dưới chân hơn và không có một hàng ghế nào chắn trước mặt bạn. Việc chọn chỗ ngồi ở đầu khoang còn giúp bạn có được thêm một chút riêng tư khi cho con bú.

- Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, việc bú mẹ hoặc ngậm bình sữa / ti giả sẽ giúp bé đỡ bị ù tai và cảm thấy thoải mái hơn.

- Bé có thể khóc khi đang ở trên máy bay. Lúc này bạn cần cố gắng phớt lờ những lời phàn nàn khó chịu từ những hành khách khác; tuy nhiên sẽ luôn có những người xung quanh tỏ ra cảm thông và việc nhận được những nụ cười từ những người này sẽ giúp bạn vượt qua những khoảnh khắc khó khăn trên máy bay.

- Nhiều mẹ lo lắng rằng việc thay đổi áp suất không khí trên máy bay sẽ làm tổn hại đến thính giác của bé. Chắc chắn tình trạng ù tai khi máy bay cất và hạ cánh sẽ khiến bé khó chịu và có thể hơi đau tai một chút, tuy nhiên việc này sẽ hết rất nhanh và không gây tổn thương gì cho thính giác bé.

- Nếu bạn bay đường dài, hãy cố gắng đặt vé bay thẳng mà không qua trung chuyển để hạn chế những phức tạp khi lên xuống máy bay, các cổng kiểm tra an ninh và thời gian chờ đợi mệt mỏi ở sân bay – hơn nữa nếu chuyến bay bị hoãn lại vài giờ thì bạn sẽ cảm thấy căng thẳng và kiệt sức.

- Nên cài dây an toàn trong suốt chuyến bay bởi các nhiễu động gây rung xóc máy bay có thể xảy đến bất ngờ, bạn không được báo trước và nếu không cài dây an toàn bạn có thể làm rơi em bé trong tay. Cũng vì lý do này, bạn cần tránh không uống trà hay cà phê hoặc nước nóng trên chuyến bay bởi nước nóng có thể rớt lên người bé.

- Trong trường hợp khẩn cấp, nếu mặt nạ ô xy rơi xuống, bạn nhất thiết phải đeo mặt nạ cho mình trước, bởi nếu não không được cung cấp đủ ô xy, bạn sẽ không có đủ tỉnh táo để đeo mặt nạ ô xy và xử lý các tình huống tiếp theo cho cả bé và chính bạn.