Một nhóm nghiên cứu cộng đồng tại Đại học Tohoku và Đại học Chuo, Nhật Bản đã nghiên cứu khả năng nhận thức màu sắc ở trẻ sơ sinh từ 5 đến 7 tháng tuổi, giai đoạn trước khi tiếp thu ngôn ngữ. Những kết quả nghiên cứu này đã được công bố trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences).

Có giả thuyết cho rằng vì có sự tồn tại của ngôn ngữ nên con người có thể định nghĩa, phân loại các đối tượng hoặc hiện tượng mà con người nhận thức được. Phân loại là tập hợp các cấp hoặc phạm vi có cùng thuộc tính lại với nhau. Lý thuyết này đã được sử dụng trong giới học giả trong các lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, ngôn ngữ học và nhân loại học.

Màu sắc mà con người có thể nhận thức được cũng có thể được áp dụng cho lý thuyết này. Vì mỗi màu đều được đặt tên là đỏ, xanh lam và vàng nên ngày nay chúng ta có thể phân loại các màu khác nhau. Theo lý thuyết này, trẻ chưa học ngôn ngữ không thể phân biệt màu sắc một cách chính xác.

Theo các bài báo trước đây đã thu thập và nghiên cứu các danh sách từ vựng khác nhau về màu sắc từ khắp nơi trên thế giới, nhận thức về việc phân loại màu sắc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ngôn ngữ. Tuy nhiên, ở một mặt khác, sự tương đồng của các phương pháp phân loại màu sắc mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng đã ủng hộ chủ trương cho rằng phân loại màu sắc có tính phổ quát độc lập với ngôn ngữ.

Việc phân loại màu sắc có bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ hay không là vấn đề then chốt trong việc xác định khả năng cảm nhận màu sắc của một người. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã quan sát hệ thống thị giác và hoạt động não bộ của trẻ sơ sinh để xem chúng có phân loại màu sắc ngay cả khi chúng chưa tiếp thu được ngôn ngữ hay không.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát cách não của trẻ sơ sinh từ 5 đến 7 tháng tuổi hoạt động như thế nào khi chúng nhìn thấy các màu sắc trong các phân loại khác nhau. Hoạt động của não được đo bằng kỹ thuật quang phổ hồng ngoại. Phương pháp này là phương pháp cho phép trẻ tham gia thí nghiệm trong môi trường thoải mái mà không gây nhiều bất tiện cho trẻ.

Theo quan sát, khi màu xanh dương trên màn hình máy tính chuyển sang màu xanh lá cây, hoạt động não bộ của các bé có chiều hướng tăng lên rõ rệt. Mặt khác, khi họ cho thấy một màu xanh lá cây có độ màu khác với màu xanh lá cây khi nãy, hoạt động của não bộ yếu dần đi.

Nhóm nghiên cứu tin rằng quá trình xử lý thông tin màu sắc thông qua nghiên cứu này rất có thể là khả năng mà con người có trước khi tiếp thu ngôn ngữ. Nói cách khác, đây là một lời giải thích rằng cần có những nghiên cứu liên tục về ảnh hưởng của việc học ngôn ngữ đối với khả năng nhận thức của con người.