Theo TS.BS Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, biếng ăn là một trong những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là sau khi bị COVID-19. Khi thấy con đến bữa không chịu ăn, hoặc ăn ít hơn bình thường hoặc ăn chỉ bằng một phần nhỏ của trẻ khác, nhiều cha mẹ đã rất căng thẳng, lo lắng và ép trẻ ăn. Tuy nhiên, nếu trẻ còn mệt, không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa sẽ không tốt cho trẻ.

TS.BS Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia khám cho trẻ

Hậu quả của việc ép trẻ ăn
Theo TS.BS Phan Bích Nga, cơ thể trẻ cũng không khác gì cơ thể của người lớn. Khi ốm, người lớn chán ăn và trẻ cũng như vậy. Tuy nhiên, vì quá lo lắng cho con nên cha mẹ ép trẻ ăn bằng nhiều hình thức khiến trẻ vừa ăn vừa khóc thậm chí nôn, trớ.

Việc ép trẻ ăn quá nhiều sau nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới hậu quả khiến cơ thể trẻ mất khả năng phân biệt đói và no, càng biếng ăn, thậm chí sợ ăn. Nếu ép trẻ ăn thành công thì có thể khiến trẻ ăn quá nhiều vượt quá nhu cầu dẫn đến tình trạng tăng cân quá mức, từ đó dẫn đến những hệ lụy sức khỏe và ảnh hưởng đến tâm sinh lý về lâu dài.

Một số nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Ép trẻ ăn nhiều sẽ tạo tthói quen xấu trong ăn uống cho trẻ.

Kể cả với trẻ suy dinh dưỡng hay trẻ đủ cân nặng, mập mạp thì việc ép trẻ ăn là điều không nên. Ngoài phát triển cân nặng, cha mẹ cần quan tâm cả sự phát triển chiều cao của trẻ. Cần duy trì mức cân nặng cho trẻ ở các độ tuổi hợp lý, với trẻ có bảng chuẩn đánh giá cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi của Tổ chức thế giới WHO và cha mẹ có thể tham khảo.

Vì vậy, cha mẹ không nhất thiết nhồi ép bắt trẻ ăn nhiều lượng thức ăn trong một bữa mà chia nhỏ thành các bữa phụ để trẻ ăn được đủ lượng thức ăn mà không có tâm lý sợ hãi. Một ngày, có thể ăn thành 5-6 bữa để trẻ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Với trẻ nhỏ ở tuổi mầm non, cha mẹ nên tương tác trong bữa ăn với trẻ, nói chuyện với trẻ trong bữa ăn.

Có thể cho trẻ ăn thành 5-6 bữa để trẻ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Mỗi bữa trẻ ăn bao nhiêu là đủ?
TS.BS. Phan Bích Nga đưa ra lời khuyên, với những trẻ bình thường không mập mạp, nhiều mẹ hay ép trẻ ăn sau khi nhiễm COVID-19 để mong con hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, ép trẻ ăn dư thừa đạm, rau, mỡ đều không tốt.

Nhu cầu chất đạm của trẻ từ 6-11 tháng tuổi là 2-2,5 g/kg/24 giờ, nhu cầu trung bình là 14-17 g/24 giờ (tương ứng với 20-30g thịt/bữa). Lượng dầu hoặc mỡ từ 1-2 thìa cà phê/bữa ăn. Lượng rau xanh 1-2 thìa cà phê/bữa ăn. Ví dụ, công thức một bữa bột cua cho trẻ 7-9 tháng tuổi gồm: Bột gạo tẻ 4 thìa cà phê, nước lọc cua 1 bát con, mỡ ăn 1 thìa cà phê, rau xanh giã nhỏ 2 thìa cà phê.

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, do đang ở độ tuổi phát triển nhanh nên nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đòi hỏi rất cao trong khi đó dạ dày của trẻ còn nhỏ, hệ tiêu hóa non nớt dễ mắc bệnh, kéo theo nguy cơ suy dinh dưỡng, còi xương. Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý cho trẻ ăn đúng nhu cầu lượng đạm cần thiết, không ăn quá nhiều đạm.

Chế độ ăn hằng ngày cho trẻ mắc COVID-19 cần cân đối 4 yếu nhóm chính: glucid, Lipid (lipid động vật và lipid thực vật), Protein (protein động vật và thực vật). Với những trẻ từ 1-2 tuổi không có sữa mẹ, khuyến khích trẻ uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày . Với trẻ lớn hơn 2 tuổi, uống 500ml/ngày sữa công thức. Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.