4 đặc điểm chủ yếu về bệnh viêm khí quản ở trẻ em

Theo các chuyên gia sức khỏe trên Familydoctor cho biết: Trẻ bị viêm khí quản thường xảy ra phổ biến ở giai đoạn dưới 1 tuổi, đặc biệt càng dễ phát bệnh hơn ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Thời gian nào trong năm, trẻ cũng có thể bị viêm khí quản, tuy nhiên bệnh thường diễn ra nhiều hơn trong mùa đông - xuân.

Trẻ bị viêm khí quản thường có những triệu chứng gì? - Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng khi phát bệnh thường khá nhanh, bao gồm ho, cảm sốt. Sau khoảng 1 - 2 ngày thì hiện tượng ho sẽ càng tăng nặng, xuất hiện tình trạng hô hấp khó khăn, thở khò khè như hen suyễn, sắc mặt tái nhợt v.v… Trường hợp nghiêm trọng còn kèm theo suy tim do sung huyết, suy hô hấp, thiếu oxi não, rối loạn chất điện giải và cơ thể mất nước. Thân nhiệt của trẻ không vượt quá 38.5C.

Tế bào bạch cầu có hiện tượng tăng nhẹ. Kết quả phân tích khí huyết có thể thấy các biểu hiện như thiếu oxi trong máu, áp suất một phần của carbon dioxide trong máu ở động mạch bị tăng lên hoặc giảm xuống. Chụp X-Quang phổi thấy có bất thường. Một số trường hợp đường hô hấp còn tiết ra các độc tố.

Người lớn cần đảm bảo chế độ chăm sóc hợp lý khi trẻ bị viêm khí quản để nhanh chóng cải thiện bệnh tình của trẻ

Chú ý giữ ấm

Khí lạnh thường gây kích thích lên niêm mạc khí quản, làm giảm khả năng đề kháng cục bộ của bộ phận này nên làm tăng nguy cơ trẻ bị viêm khí quản. Do đó, khi đưa trẻ ra ngoài, bố mẹ cần chú ý mặc thêm áo và các phụ kiện giữ ấm cần thiết cho trẻ như vớ, bao tay, khẩu trang v.v…

Bạn nên chú ý giữ ấm cho trẻ để tránh khí lạnh xâm nhập vào cơ thể khiến bệnh viêm khí quản nặng hơn và khó điều trị - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, lúc ở trong nhà thì các biện pháp giữ ấm cho trẻ cần điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh vấn đề phòng tránh khí lạnh xâm nhập vào cơ thể trẻ thì bạn vẫn phải đảm bảo độ thông thoáng, sạch sẽ của không khí trong phòng để giúp bệnh của trẻ nhanh chóng cải thiện mà không bị nặng hơn.

Cho trẻ uống nhiều nước

Viêm khí quản ở trẻ em có lúc diễn biến nhanh chậm khác nhau. Tuy vậy, hầu như các trường hợp đều sẽ có triệu chứng ho, cảm sốt, ho có đờm v.v… Đây là nguyên nhân dễ khiến trẻ bị mất nước, thậm chí rối loạn chất điện giải nếu người lớn không có biện pháp chăm sóc hợp lý.

Bất kể trẻ ở độ tuổi nào thì khi bị bệnh, bố mẹ nên cố gắng cho trẻ uống nhiều nước, vừa giúp làm “loãng” dịch đờm trong cổ họng của trẻ, vừa tạo cảm giác dễ chịu hơn và giúp cơ thể có đủ thành phần nước cần thiết. Tốt nhất nên cho trẻ uống nước ấm, chia nhỏ ra nhiều lần uống để trẻ dễ thích nghi và hạn chế phản kháng lại.

Trẻ bị viêm khí quản có thể kèm theo sốt nên bố mẹ cần định kỳ kiểm tra thân nhiệt cho trẻ để kịp thời xử lý - Ảnh minh họa: Internet

Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ

Trẻ bị viêm khí quản thông thường cũng sẽ kèm theo sốt. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý vấn đề kiểm tra thân nhiệt định kỳ để kịp thời phát hiện thay đổi bất thường và xử lý đúng lúc. Nếu trẻ sốt dưới 38.5C và tình trạng sức khỏe không quá nghiêm trọng thì có thể điều trị tại nhà bằng một số phương pháp hạ sốt vật lý như lau người bằng nước ấm, dùng miếng dán hạ sốt v.v…

Hỗ trợ cho trẻ giảm bớt dịch đờm       

Ho có đờm cũng là một triệu chứng khiến trẻ rất khó chịu khi bị viêm khí quản. Trẻ còn nhỏ sẽ không dễ dàng biết cách tự ho khạc nên cần sự trợ giúp từ bố mẹ. Bạn có thể bế trẻ với tư thế thoải mái rồi nhẹ nhàng vỗ vào lưng của trẻ, giúp trẻ có “thế” để ho khạc đờm thuận lợi hơn.

Trường hợp nghiêm trọng có thể dùng dung dịch làm tan đờm dạng phun sương hoặc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Khi ngủ, người lớn nên giúp trẻ trở mình nếu như bé còn quá nhỏ. Ngoài ra, tư thế nằm của trẻ nên kê cho nửa thân trên hơn cao hơn một chút để giảm khó khăn khi trẻ hô hấp.

Trẻ bị ho đờm nặng có thể dùng dung dịch làm tan đờm dạng phun sương - Ảnh minh họa: Internet

Bổ sung dinh dưỡng không thể bỏ qua

Trẻ bị bệnh dù là viêm khí quản ở mức độ nặng hay nhẹ thì đều ảnh hưởng đến khẩu vị cũng như khả năng tiêu hóa, hấp thu. Chính vì vậy, bố mẹ cần cải thiện thực đơn ăn dặm cho trẻ sao cho thanh đạm nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết. Trong giai đoạn trẻ đang bệnh hoặc thời kỳ phục hồi nên ăn thực phẩm loãng, bán loãng và tránh dầu mỡ.