Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ và kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày) cũng như không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bị tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần hoặc nhiều hơn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Bởi, lúc này cơ thể bé sẽ mất đi một lượng nước, muối lớn rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng và một số căn bệnh nguy hiểm khác tấn công vì cơ thể thiếu chất đề kháng.

Theo đó, để giúp trẻ phục hồi nhanh sau tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng cần cho bé ăn uống đầy đủ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy 

Khi trẻ bị tiêu chảy thường có dấu hiệu sớm như ăn kém, bỏ ăn, đầy bụng, nôn và thường kéo dài từ 3 - 6 giờ trước khi tiêu chảy. Theo đó, bé sẽ bị tiêu chảy dạng phân lỏng, hoặc phân nước có máu.

Lúc này, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần theo dõi sát các triệu chứng của bé để phát hiện các dấu hiệu như mất nước và muối ở trẻ.

Tiêu chảy tuy không nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng diễn ra lâu sẽ khiến trẻ bị mất nước và có nguy cơ dẫn đến tử vong. (Ảnh minh họa: Internet)

Trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ nên cho con ăn gì?

Khi trẻ bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải bù nước đầy đủ cho con để chống thiếu nước năng nề vì nó có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Theo đó, ngoài uống nước thì bố mẹ có thể bù nước cho con bằng các dung dịch như ORS (oresol), ORS II, viên hydrite để giúp bé mau hồi phục và giảm thiểu tình trạng sụt cân.

Bên cạnh đó, khi bị tiêu chảy nhiều trẻ còn bị ói nhiều nên việc uống nước cần thực hiện một cách từ từ, cho bé uống từng chút một (khoảng 15 - 20ml/ lần uống và mỗi 15 phút một lần).

Theo đó, khi được bù nước bé sẽ đi tiểu nhiều, da và môi sẽ tươi tắn hơn. Đồng thời, việc cho uống nước bù phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày. Ngoài ra, bố mẹ còn cần xây dựng một thực đơn dinh dưỡng cho con để nhanh chóng phục hồi bệnh.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bị tiêu chảy nên ăn gì?

Khi trẻ bị tiêu chảy mẹ vẫn nên cho con bú bình thường và tăng thêm số lần bú để bù nước và dung nạp thêm dinh dưỡng vào cơ thể bé. Lúc này, bé sẽ tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn, do sữa mẹ có chứa đường lactoza nên vẫn được hấp thu rất tốt khi bị tiêu chảy. Còn đối với trẻ bú bình thù cần pha loãng hơn, có thể giảm nửa lượng sữa, giữ nguyên lượng nước và cho bú ít nhất 3 giờ/ lần.

Khi thấy trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách. (Ảnh minh họa: Internet)

Trẻ trên 6 tháng tuổi đang bị tiêu chảy nên ăn gì?

Lúc này, ngoài sữa mẹ thì bố mẹ có thể cho con ăn thêm những thực phẩm dễ tiêu hóa như bột gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm,... Ngoài ra, bố mẹ có thể tăng thêm chất béo để tăng năng lượng cho cơ thể bé bằng dầu ăn.

Bên cạnh đó, chỉ nên cho bé ăn các đồ ăn mềm như cháo, súp, cơm nát hoặc đã được hầm nhừ. Đồng thời, cần nấu thật kỹ và cho con ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm. Thêm vào đó, việc vệ sinh các vật dụng của bé cũng cần kỹ càng để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm quả chín, hoặc nước quả chín như chuối, cam, xoài, hồng xiêm để tăng lượng kali; táo ninh nhừ hay táo nướng sẽ giúp trẻ dễ tiêu hoá hơn.

Một số thực phẩm trẻ cần tránh xa khi bị tiêu chảy

Hạn chế sử dụng đường và các đồ ăn ngọt có chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước có ga công nghiệp sẽ làm tình trạng tiêu chảy của bé nặng thêm. Bởi nó sẽ tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.

Tránh xa các loại thực có nhiều xơ và ít dinh dưỡng như: măng, rau cần, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) vì chúng rất khó tiêu hóa.

Không cho trẻ ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép… khi chưa được nấu chín.