Mề đay là gì?

Mề đay là tình trạng thường gặp ở trẻ em và cả người lớn - Ảnh minh họa: Internet

Là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây phù cấp hoặc mạn tính. Bệnh mề đay cấp tính thường xuất hiện ở những bệnh nhân có yếu tố cơ địa và đặc biệt phổ biến ở trẻ em.

Nguyên nhân gây bệnh mề đay cấp là gì?

Có 4 nguyên nhân chủ yếu sau gây ra tình trạng nổi mề đay ở trẻ em:

Do nhiễm khuẩn vì sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên dễ nhiễm vi rút, vi khuẩn, các vật thể lạ xâm nhập qua da hoặc đường hô hấp gây bệnh.

Do thực phẩm như hải sản có vỏ, các loại hạt, sữa và hoa quả cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng nổi mề đay.

Do thuốc: có một số loại thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh và các thuốc giảm đau hạ sốt rất dễ khiến trẻ bị dị ứng nổi mề đay.

Do tiếp xúc với các chất gây dị ứng: phấn hoa, vết trích côn trùng, lông động vật, các chất hóa học, thay đổi thời tiết...

Biểu hiện của bệnh mề đay là gì?

Có 3 triệu chứng điển hình nhận biết mề đay - Ảnh minh họa: Internet

Sần phù

Kích thước to nhỏ khác nhau. Sần phù hơi nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. Các nốt sần, mảng sần thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh, mất đi nhanh.

Ngứa

Đa số các trường hợp trẻ bị nổi mề đay rất ngứa, càng gãi càng ngứa và làm nổi thêm các nốt sần khác. Sẩn phù kèm ngứa có thể giới hạn ở 1 vùng nào đó hoặc có khi trẻ bị nổi mề đay khắp người.

Phù

Một số vùng như mi mắt, môi, sinh dục ngoài... các ban đỏ, sẩn phù xuất hiện đột ngột làm sưng to cả một vùng còn gọi là phù mạch và phù Quincke. Nếu phù Quincke ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ gây nên bệnh lí nặng như khó thở nặng, đi ngoài phân lỏng, đau bụng quặn, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch hay sốc phản vệ thực sự.

Phân loại nổi mề đay ở trẻ em

Cũng giống như người lớn, nổi mề đay ở trẻ em được phân loại thành các dạng dựa vào 2 yếu tố: thời gian và mức độ bệnh.

Tình trạng mề đay có sẩn phù, có thể kèm theo ngứa - Ảnh minh họa: Internet

Theo thời gian

  • Mề đay cấp tính: thường xảy ra trong vòng 24 giờ hoặc kéo dài dưới 6 tuần.
  • Mề đay mãn tính: kéo dài trên 6 tuần đến nhiều năm.

Theo mức độ bệnh

  • Mề đay thông thường: xuất hiện đột ngột với những nốt sẩn hồng và rất ngứa, có thể lan rộng hoặc không nhưng sẽ hết nhanh trong vài giờ và hầu như không để lại sẹo.
  • Phù Quincke: xuất hiện đột ngột với những nốt nổi ban sưng to, căng 1 vùng. Thậm chí gây phù ở lưỡi, thanh quản và có thể gây suy hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được xử lí kịp thời.
  • Da vẽ nổi: khi dùng 1 vật chà nhẹ trên da sẽ xuất hiện những vệt màu hồng theo đúng hình dạng đã vẽ.

Trẻ bị nổi mề đay phải làm sao?

Đối với mề đay cấp tính

  • Xác định và loại bỏ các yếu tố gây bệnh để tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn.
  • Hạn chế hoặc kiêng các thực phẩm dễ gây dị ứng: hải sản, trứng, sữa, giảm đường, giảm muối…
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, B, C hoặc dễ tiêu hóa, có tính mát như khoai lang, mướp đắng, cam, bưởi...
  • Tắm bằng nước mát pha chút muối nở, tránh dùng xà bông chứa chất kích thích mạnh.
  • Không gãi vùng da bị ngứa, tránh làm lây lan vùng da dị ứng và dẫn đến viêm da.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi thoáng mát, nên mặc quần áo dài.
  • Cho trẻ uống kháng histamin để ngăn chặn và làm dịu cơn ngứa. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Đối với nổi mề đay mãn tính

Trẻ mắc mề đay mãn tính cần thăm khám, làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp trẻ mắc mề đay mãn tính cần thăm khám, làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Với trẻ em bị mề đay tái phát nhiều lần chứng tỏ hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ kém. Vì vậy cần tăng sức đề kháng cho trẻ, kèm theo sử dụng thêm các loại thảo dược giải độc, mát gan là một giải pháp hỗ trợ điều trị an toàn, hiệu quả đối với chứng dị ứng nổi mề đay ở trẻ.

Trẻ bị nổi mề đay tắm lá gì?

Lá khế - Loại lá dễ tìm, dễ sử dụng

Sử dụng lá khế, có thể dùng cả cành khế, rửa sạch, cắt nhỏ. Để lá khế vào nồi, đổ nước sạch vào sao cho ngập hết cành, lá. Đun đến khi sôi, tắt bếp. Dùng nước này tắm cho bé mỗi ngày. Sử dụng liên tục trong khoảng 7-10 ngày để thấy các cơn ngứa ngáy giảm dần.

Lá kinh giới – Tắm hoặc chà trực tiếp lên da

Một loại lá quen thuộc không kém, đó là lá kinh giới, vừa dùng làm rau ăn sống, vừa có tác dụng chữa mề đay ở trẻ em khá đơn giản. Sử dụng phần ngọn cây kinh giới, bao gồm cả phần lá và hoa. Rửa sạch rồi sao vàng đến khi nóng già, tắt bếp.

Gói thành phẩm này vào một chiếc khăn sạch, hoặc túi vải. Bắt đầu chà xát trực tiếp lên vùng da bị ngứa, chà đến khi hết nóng thì thôi. Tiến hành nhiều lần, hết nóng lại sao tiếp, bé sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Sài đất – Loại thảo dược không thể thiếu

Sử dụng lá sài đất tươi, rửa sạch, nấu cùng nước sạch. Lấy nước này tắm cho bé hằng ngày. Đặc biệt là những khi trẻ nổi mẩn ngứa, chỉ cần tắm nước lá sài đất là sau vài ngày da bé sẽ dịu cơn ngứa ngáy rất nhiều.

Trẻ bị nổi mề đay kiêng ăn gì?

Thực phẩm giàu đạm như tôm, cua, hải sản, thịt bò, cá biển

Những thực phẩm này có hàm lượng đạm cao có thể là tác nhân gây dị ứng, đặc biệt là với người có cơ địa nhạy cảm. Ngoài ra, khi bị nổi mề đay, hệ miễn dịch của cơ thể đang bị suy giảm. 

Chú ý thực phẩm khi trẻ bị nổi mề đay - Ảnh minh họa: Internet

Nếu bạn cho trẻ ăn các loại thực phẩm này, cơ thể trẻ rất khó tiếp nhận và chuyển hóa sẽ rất dễ bị kích ứng. Khi cứ tiếp tục sử dụng, bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến việc điều trị.

Thực phẩm chứa nhiều đường và muối

Những loại thực phẩm này có thể kích thích hệ thần kinh ngoại biên, khiến các vết nổi mề đay ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đồ ngọt còn có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến các vết mẩn ngứa trên da khó lành và làm tăng tỷ lệ tái phát.

Thực phẩm cay, nóng gồm đồ chiên rán, ớt cay, hạt tiêu

Khi ăn những thực phẩm này, các bộ phận trên cơ thể phải hoạt động nhiều hơn mức bình thường, gây nóng trong người, tạo cảm giác bứt rứt và khó chịu. Ngoài ra, đồ cay, nóng còn làm khô da, khiến da dễ bong tróc.

Để giúp điều trị bệnh, ngoài việc kiêng các loại thực phẩm trên, cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây để bổ sung chất xơ và các vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên chủ động nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày.

Có cần phải kiêng gió, nước và ánh nắng mặt trời khi trẻ bị nổi mề đay?

Theo dân gian, khi bị nổi mề đay, người bệnh cần kiêng, gió, nước và ánh mặt trời. - Ảnh minh họa: Internet

Theo dân gian, khi bị nổi mề đay, người bệnh cần kiêng, gió, nước và ánh mặt trời. Thế nhưng, điều này có thật sự đúng?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mề đay. Nhiễm phong (gió) là một trong số đó. Khi bị nhiễm phong, hệ miễn dịch sẽ phản ứng với môi trường sản sinh ra chất có thể gây ngứa, nổi mẩn. Đây là lý do tại sao mà trong thời gian bị mề đay, nhiều người vẫn khuyên nên kiêng gió và nước lạnh để tránh bệnh trở nên nghiêm trọng.

Tuy nhiên, kiêng gió không nhất thiết là trẻ phải ở trong phòng kín và tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Nếu trẻ muốn ra ngoài, bạn chỉ cần che chắn cho làn da trẻ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió và ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, nếu nguyên nhân trẻ bị nổi mề đay là do yếu tố thời tiết thì bạn cũng nên chú ý hơn đến việc này.

Ngoài gió, còn có nhiều người khuyên nên kiêng nước. Điều này cũng không thật sự đúng bởi nổi mề đay sẽ khiến cơ thể ngứa ngáy, khó chịu, rất cần sử dụng nước để lau rửa tay chân và vùng da tổn thương. Điều này không những giúp tránh tình trạng bụi bẩn, mồ hôi tích tụ mà còn giúp giảm cảm giác ngứa, hỗ trợ điều trị nổi mề đay khá hữu hiệu.

Tóm lại, trẻ bị nổi mề đay là một vấn đề nan giải với nhiều bậc cha me. Việc nhận biết được nguyên nhân gây bệnh là quan trọng nhất, kèm theo cha mẹ bé cần chú ý một số vấn đề trong xử lý bệnh, chế độ ăn uống để phòng tránh bệnh tái đi tái lại.