Trẻ bị hóc dị vật: Cha mẹ nên sơ cứu như thế nào để bảo vệ tính mạng con
Trẻ được 6 – 24 tháng tuổi là giai đoạn trẻ tập bò, tập đi, tập nhai và tìm hiểu về thế giới xung quanh bằng thói quen cho đồ vật vào miệng. Do đó, bất cứ vật dụng gì có kích thước nhỏ như đồ chơi, đồ dùng gia đình đều có thể trở thành mối nguy hiểm với con trẻ.
Bệnh viện Nhi Trung Ương đã ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện vì bị hóc dị vật như đinh vít, sợi dây cài áo… dẫn đến những vấn đề sức khỏe như gây áp-xe thành thực quản kèm theo viêm phổi, niêm mạc sàn họng bị chảy máu.
Khi hóc dị vật cứng, trẻ sẽ có những biểu hiện như nghẹn, tím tái, khó thở, không nói, không khóc được. Nếu sơ cứu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con, nhưng cha mẹ cũng cần bình tĩnh để tiến hành sơ cứu để không gây ra biến chứng nguy hiểm nào cho sức khỏe của trẻ.
Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Trao đổi với Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết điều quan trọng hàng đầu khi sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đó là cha mẹ cần bình tĩnh xử trí. Nhiều bậc phụ huynh cố dùng tay móc dị vật ra khỏi cơ thể trẻ, tuy nhiên đó là hành động hết sức nguy hiểm. Cha mẹ chỉ nên móc những dị vật có thể nhìn thấy được bằng mắt, nếu không nhìn thấy dị vật, mẹ tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó bạn có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng.
Nếu trẻ bắt đầu tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành các biện pháp sơ cứu.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể đặt bé nằm trên cánh tay của mình, đầu chúi xuống thấp hơn ngực và đỡ đầu của trẻ bằng lòng bàn tay; dùng chân để làm điểm tựa. Nếu trẻ quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi. Tiếp đó bạn dùng tay vỗ vào lưng trẻ (vùng giữa hai xương bả vai) khoảng 5 – 6 lần và kiểm tra xem có thể nhìn thấy dị vật hay không. Trong trường hợp biện pháp vỗ lưng không hiệu quả, cha mẹ có thể chuyển sang ấn vào ngực trẻ. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật rơi ra hoặc trẻ có thể khóc được.
Nếu trẻ lớn hơn bị hóc dị vật, người lớn có thể sơ cứu bằng cách đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ra trước bụng của trẻ và nắm chặt lại. Cha mẹ nên đặt tay ở ngay phía trên rốn và phía dưới đỉnh xương ức, dừng lực đẩy vào bụng theo chiều hướng lên trên.
Phòng tránh hóc dị vật cho trẻ
Bác sĩ Khanh khuyên các bậc phụ huynh không nên đưa cho trẻ dưới 4 tuổi các đồ chơi có kích thước, có nhiều chi tiết nhỏ. Cha mẹ cũng cần tránh hỏi chuyện với con khi đang ăn, hạn chế cho trẻ ăn các loại hạt dễ gây hóc như đậu, hạt dưa. Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý đến khu vực chơi của con, phải đảm bảo rằng không xuất hiện các đồ vật nhỏ có thể làm bé hóc như nút áo, kim băng, hạt cườm.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...