Âm thầm chịu đựng khi bị bắt nạt

Mấy hôm nay, chị C. ở quận Ninh Kiều để ý thấy con trai đang học lớp 10 có biểu hiện lạ. Mỗi khi xem tin nhắn trên điện thoại, con có vẻ rất lo lắng. Chị C. gặng hỏi thì con nói không có gì.

Một lần, con trai chat trên Facebook xong, quên thoát ra, chị C. vào xem thì phát hiện con đang bị một nam sinh lớp 11 cùng trường chửi mắng, còn hù họa kêu người “đánh cho biết mặt” vì dám nói xấu bạn này trong nhóm chơi đá banh chung. Con chị trả lời lịch sự và giải thích không có nói xấu, có thể do hiểu lầm nhưng nam sinh kia không tin, nói những lời xúc phạm nặng nề.

Chị xem lại lịch sử trò chuyện của con thì biết trước đó mấy ngày, con bị nam sinh này đánh vào vai và đầu khi cùng đi xuống cầu thang trong trường. Con trai chị C. có tâm sự với nhóm bạn cùng lớp là vừa buồn vừa lo nhưng chưa biết tính sao.

Phụ huynh cần quan tâm các mối quan hệ bạn bè cũng như việc con sử dụng mạng xã hội, phòng ngừa bị bắt nạt. - Ảnh minh họa

Thấy chuyện để lâu có thể gây hậu quả khó lường, chị C. chụp màn hình tin nhắn làm bằng chứng, rồi báo sự việc với cô chủ nhiệm của con và nam sinh trên, nhờ hai cô mời phụ huynh vào cùng giải quyết. Sau khi nghe phân tích sự việc, nam sinh kia hiểu ra vấn đề, xin lỗi vì đã chửi và đánh con chị C., cam kết không tái phạm. Cha mẹ của nam sinh này cũng hứa sẽ quan tâm dạy con cẩn thận hơn.

Về phía con trai chị C. cũng hứa với cô giáo và mẹ nếu có chuyện gì sẽ bày tỏ để người lớn hỗ trợ, không âm thầm chịu đựng như vậy nữa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và việc học.

Con gái chị T. học lớp 5 ở quận Bình Thủy từng là nạn nhân của việc bị bạn bè bắt nạt, nói xấu. Do bé hơi “mũm mĩm” nên bị nhóm bạn cùng lớp đặt biệt danh “thùng phuy di động”, rồi xúi nhiều bạn khác không chơi chung. Nhóm này còn nói xấu con chị T. trên mạng Zalo khiến bé rất buồn, nhiều hôm lấy lý do đau bụng, nhức đầu để không đi học, có thời điểm bé còn lén nhịn ăn để giảm cân, bị ảnh hưởng bao tử.

 Sau khi biết rõ nguồn cơn, chị T. an ủi, động viên con, một mặt nhờ cô chủ nhiệm giúp đỡ. Cô giáo gặp riêng, nhắc nhở nhóm học sinh, phân tích cho các bé thấy hậu quả việc mình làm khiến bạn tổn thương, khuyên các em đoàn kết, thương yêu nhau, xây dựng tình bạn trong sáng… Giờ các bé này không chọc bạn nữa, vui chơi với nhau hòa đồng, con chị T. cũng bớt mặc cảm về hình thể, chăm lo học hành.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bắt nạt?

Trước những sự việc nói trên, không có giải pháp nào là chính cha mẹ phải vào cuộc để tâm sự, hỏi han con và tìm cách xử lý. Vì thế, theo các chuyên gia để tránh cho con những rắc rối, ảnh hưởng đến tâm lý, học hành cha mẹ cần:

Lắng nghe và đáp lại tất cả các điều trẻ phản ánh về việc mình bị bắt nạt kể cả những điều nhỏ nhặt như bị bạn gọi tên chế giễu .

Nếu trẻ bị tốn thương về cơ thể do bị bắt nạt thì cần kịp thời giúp trẻ khắc phục thương tổn đó.

Lưu bằng chứng, ghi nhận lại việc trẻ bị bắt nạt để yêu cầu những người có trách nhiệm xử lý và giúp đỡ.

Nếu tình trạng trẻ bị bắt nạt có dấu hiệu tái diễn nhiều lần hay bé liên tục bị thương tích, bạn hãy nhanh chóng trao đổi vấn đề này với giáo viên phụ trách trẻ và các phụ huynh khác đặc biệt là phụ huynh của đứa trẻ cá biệt hay đi bắt nạt bạn bè. Bạn hãy nhờ giáo viên hay các bậc phụ huynh khác đưa ra trách nhiệm và cách thức để giải quyết vấn đề này.

Nếu trẻ bị bắt nạt do các đối tượng ở gần nhà thì cha mẹ cần kịp thời can thiệp, đầu tiên là gặp các đối tượng bắt nạt trẻ để nói chuyện, ngăn chặn, nếu đối tượng không thay đổi thái độ thì cần sự can thiệp của những người lớn khác như cha mẹ của đối tượng hoặc nhờ đến sự can thiệp của cán bộ xã, phường…