Theo một thăm dò tại Anh, vào mùa hè cha mẹ thường có xu hướng cho trẻ tiêu thụ đồ ăn có đường nhiều tới 5 lần so với các thời điểm khác trong năm. Đặc biệt, một khảo sát 1000 cặp vợ chồng có con trong độ tuổi từ 2 - 17, chỉ ra rằng lượng đường hấp thụ tăng đột biến khi trẻ bắt đầu vào kì nghỉ hè.

Kem và đồ uống có đường được nêu tên là hai thủ phạm lớn nhất. Nghiên cứu còn chỉ ra 8/10 người được hỏi thừa nhận lo ngại về việc tiêu thụ đường của trẻ trong giai đoạn nghỉ hè. Việc này còn dẫn đến các vấn đề liên quan đến răng miệng của trẻ như sâu răng, viêm nướu...

 

Ảnh minh họa

Dẫu vậy, kem vẫn mang rất nhiều dinh dưỡng có lợi cho bé. Kem bản chất làm từ sữa, vì vậy chứa nhiều loại vitamin và cung cấp nhiều năng lượng sau hoạt động. Vì vậy, cân bằng trong chế độ ăn là điều rất quan trọng các cha mẹ cần chú ý.

Khi nào trẻ có thể ăn kem?

Theo Pankaj Vohra - Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi (Hoa Kỳ), cha mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn kem sau 12 tháng tuổi, tương tự như sản phẩm sữa tươi. Mặc dù kem được làm từ sữa nguyên kem và kem, được tiệt trùng để loại bỏ vi khuẩn, vẫn có trường hợp trẻ nhạy cảm với protein chứa trong sữa, khoáng chất và các thành phần khác trong kem.

Tuy nhiên, không phải loại kem nào cũng giống nhau và phù hợp với trẻ nhỏ. Đối với các sản phẩm kem, kem que có bán trên thị trường, không khuyến khích trẻ dưới 3 tuổi ăn. Nguyên nhân là do các sản phẩm đá bán trên thị trường thường chứa nhiều chất bảo quản, đường bổ sung và không phù hợp với trẻ nhỏ.

Vì vậy, với gia đình có trẻ em dưới 3 tuổi, cha mẹ có thể tự làm kem ở nhà để đảm bảo sức khỏe và ngon miệng. Công thức làm kem tại nhà phổ biến các sản phẩm từ sữa và thực phẩm có hương vị như hoa quả, các loại hạt,... sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh, thu hút trẻ nhỏ và bổ sung dinh dưỡng.

Ngoài vấn đề về đường, nhiều cha mẹ lo lắng kem quá lạnh không tốt cho dạ dày và đường ruột của bé. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào phát hiện ra rằng cho trẻ ăn thức ăn có nhiệt độ thấp sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe; chỉ cần trẻ có thể chấp nhận được thì sau khi ăn sẽ không cảm thấy khó chịu. Trẻ 1 hoặc 2 tuổi có thể ăn một số thức ăn có đá.

Khi bị sưng và đau ở cổ họng hoặc trong thời kỳ mọc răng, bác sĩ thậm chí có thể đề nghị bé uống một số sản phẩm nước đá để giảm sưng và đau.

 

Ảnh minh họa

Những điều cần lưu ý khi bắt đầu cho trẻ ăn kem?

Nói "không" với kem bán vỉa hè

Hầu hết các loại kem thương mại đều được tiệt trùng bằng nhiệt để tiêu diệt vi khuẩn nhưng cẩn thận không bao giờ thừa. Vì vậy, không nên mua kem từ một người bán hàng rong vì không thể chắc chắn về các điều kiện vệ sinh và lưu trữ tại những địa điểm đó.

Tìm hiểu các thành phần trong kem

Một số thành phần phổ biến trong kem, có thể gây dị ứng, là các loại hạt, đậu phộng, dâu tây và các chất tạo màu. Tránh kem làm từ sữa tươi vì nó có thể mang vi khuẩn. Hãy chọn loại kem có công thức cơ bản và không chứa quá nhiều thành phần bổ sung nào khác. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ dị ứng và ngộ độc đối với trẻ nhỏ.

Không cho bé ăn kem khi bụng đói

Ăn kem khi bụng đói có thể dễ gây kích ứng đường tiêu hóa của trẻ và gây khó chịu. Nhiệt độ thấp của kem có thể làm lạnh đường tiêu hóa, gây đau bụng hoặc khó tiêu.

Tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ ăn kem với lượng thích hợp sau khi trẻ ăn xong bữa chính. Điều này không chỉ làm giảm bớt sự khó chịu ở đường tiêu hóa mà còn là phần thưởng để trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt trong khi thưởng thức thức ăn.

Không cho trẻ ăn nhiều kem 1 lúc

Theo Hướng dẫn của Úc về Ăn uống lành mạnh, trẻ nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống tùy ý như kem và các loại bánh kẹo làm lạnh khác cho bé vì chúng cung cấp nguồn dinh dưỡng nghèo nàn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể cho bé ăn kem với lượng vừa phải với tần suất 1-2 lần/tuần

Ngoài ra, cần tránh cho bé ăn kem vào thời tiết lạnh hoặc nếu bé bị hắt hơi, sổ mũi. Hãy chọn cho bé những loại kem có vị ít ngọt và tránh các loại kem có hạt.