Trầm cảm sau sinh: Cuộc chiến cô đơn tàn khốc của người mẹ
Thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có đến gần 20% phụ nữ sau sinh trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm lí, trong đó đa phần là trầm cảm. Ở Việt Nam, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người được liệt vào nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc một rối loạn tâm lí bất kì trong khoảng một năm sau sinh.
Năm 2002, Bệnh viện Từ Dũ đã làm khảo sát về vấn đề trầm cảm sau sinh, kết quả có đến 41% phụ nữ sau khi sinh có ý định tử tử.
Đừng để trầm sau sinh trở thành cuộc chiến cô đơn của người mẹ
Biểu hiện của căn bệnh này rất đa dang, người thì ghét con, không muốn ở gần con, sợ nghe tiếng con khóc, mệt mỏi đến mức chỉ muốn để người khác chăm sóc con giúp để… ngủ; người lại quá yêu con, không muốn ai ngoài mình động vào con, cáu giận với những người đến thăm hoặc ngỏ ý muốn bế ẵm, chăm sóc con giúp hoặc nghi ngờ người khác muốn hại con mình; người chỉ muốn tự cô lập, muốn người khác để cho mình yên, có cảm giác căm ghét chồng… Tùy vào những biểu hiện cụ thể ở những người mẹ, hoàn cảnh gia đình, gợi ý cách vượt qua trạng thái tiêu cực này sẽ thay đổi linh hoạt theo.
Chị T.T. (30 tuổi, quê Đà Nẵng) kể: "Khi con trai tôi hơn 2 tháng tuổi. Đó là những ngày con tôi ốm triền miên, phải đưa đi bệnh viện 5,6 lần. Sinh con thiếu tháng nên con nhỏ hơn, yếu hơn những đứa trẻ khác sinh cùng thời điểm. Chồng lại làm ở xa nên không san sẻ được nhiều, những lúc con ốm, khóc tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc theo.
2 tuần sau đó, tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, hay buồn, lúc nào cũng giận hờn, dễ nổi nóng với bất kỳ ai. Lúc này, chính tôi cũng cảm thấy mình thay đổi, tôi nói với chồng, mình căng thẳng, mình có cảm giác bị trầm cảm, tâm trạng luôn lo lắng, không ngủ được. Nhận thấy được sự thay đổi của tôi, mẹ tôi sau đó đã ở bên tôi rất nhiều, san sẻ bớt việc chăm bé cho tôi, chồng cũng thường xuyên hỏi thăm, động viên đã giúp tôi thấy vui vẻ, thoải mái và yêu con hơn".
Cũng từng chiến đấu với với trầm cảm sau sinh suốt một năm ròng, chị V.N. (28 tuổi, quê Đắk Lắk) chia sẻ: "Thấy các mẹ tâm sự về trầm cảm sau sinh mình lại thấy thương bản thân mình hồi đó. Sinh đứa con đầu kinh nghiệm nuôi con chưa có, con thức đêm đau vết mổ, người cảm giác như kiệt sức thiếu ngủ vậy nên mình đã sinh ra trầm cảm mà không ai biết. Nghe thấy tiếng con khóc mình rất sợ mình chỉ muốn bịt mồm con lại và có khi đánh vào mông con, còn tâm lý thì lúc nào rối bời. Sau những hành động đó với con, mình lại khóc rất nhiều.
Mình thấy ghét mọi thứ và đã có lúc còn mình nghĩ đến việc kết thúc tất cả. Nhưng nghĩ đến bố mẹ buồn khổ, mình không thể như thế được. Và một năm khủng khiếp đó cũng qua đi, mình phải tự dặn lòng, sinh đứa con thứ hai mình không được như vậy nữa. Lần này, mình chuẩn bị mọi thứ, mình không cho phép bản thân được xấu xí vậy là mang thai 7 tháng mình vẫn đi làm tóc. Không để bản thân mình vô dụng nên mình đã tìm đến một công việc online để có thể vừa trông con vừa có thu nhập. Hiện tại mình mình ổn và rất thoải mái".
"Dễ mắc nhưng phòng tránh trầm cảm cũng không khó"
Trao đổi với phóng viên Phụ nữ Sức khỏe, Bác sĩ CKII. Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm Trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, chia sẻ: "Bệnh trầm cảm sau sinh dễ mắc nhưng đề phòng cũng không khó. Để phòng tránh bệnh này, trước và trong khi mang thai, thai phụ cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như chăm sóc sau sinh để làm mẹ một cách chủ động, không bỡ ngỡ sau khi sinh con".
"Sau sinh, sản phụ cần giữ tâm trạng thoải mái, ổn định, nên suy nghĩ tích cực, lạc quan, không nghiêm trọng và bi kịch hóa vấn đề, đặc biệt tránh những tác động mạnh về tâm lý, phải có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động hợp lý. Chính vì thế, những người thân trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong việc tránh căn bệnh này. Đó là sự quan tâm, chia sẻ và giảm bớt gánh nặng cho bà mẹ; tức là những người khác cần chăm lo cho em bé và chăm lo cho cả bà mẹ để đánh bay áp lực cho phụ nữ sau sinh là điều rất cần thiết", BS Minh nói thêm.
Đồng thời, khi có những triệu chứng đầu tiên báo hiệu thì lập tức đưa đến gặp chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có những hỗ trợ kịp thời trước khi những triệu chứng diễn biến nặng hơn.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...