TP.HCM chuẩn bị triển khai đợt tiêm chủng vắc xin COVID-19 lớn trên diện rộng. Trong ảnh: tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM - cho biết chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin sẽ bắt đầu tại Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức).

Tiêm khởi động cho 500 công nhân

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hiện nay công nhân là nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin hàng đầu, đặc biệt là những người làm việc trong các khu công nghiệp - khu chế xuất, nhằm đảm bảo cho sự vận hành các chuỗi sản xuất được thông suốt.

"Đây là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, do đó trong bối cảnh này sẽ được ưu tiên" - ông Sơn khẳng định.

Đại diện Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho biết theo dự kiến số lượng công nhân Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vắc xin trong ngày đầu tiên khoảng 400 - 500 người. Trung tâm Y tế TP Thủ Đức huy động 5 đội tiêm chủng (mỗi đội 5 người) và dự kiến tiêm trong vòng một buổi là hoàn tất.

Trước đó, ngành y tế đã có thông báo cho các đơn vị thuộc nhóm ưu tiên và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao lập danh sách đối tượng tiêm (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nơi làm việc).

Các nhóm lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được thông báo ưu tiên đăng ký tiêm gồm: người tiếp xúc với các trường hợp F1 sau khi hết cách ly; người sinh sống tại các vùng có người mắc bệnh hoặc từ nơi có ổ dịch về; lãnh đạo các cơ sở sản xuất, các phân xưởng, bộ phận; người giao hàng, cung cấp hàng hóa và một số đối tượng làm công tác dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, phục vụ suất ăn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tuân thủ 5K cả sau khi tiêm

Khi Chính phủ chính thức phân bổ lô vắc xin 836.000 liều (từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật) cho TP.HCM, ngày 17-6 Sở Y tế đã gửi văn bản hỏa tốc đến các cơ sở tiêm chủng trên toàn TP đề nghị khẩn trương tổ chức các đội tham gia tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21.

Cụ thể, TP.HCM huy động lực lượng từ các cơ sở y tế phường xã đến trung ương, các bệnh viện công lập và tư nhân, các viện và hệ thống tiêm chủng của Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC). Đến nay TP.HCM đã chuẩn bị 1.032 đội tiêm vắc xin, mỗi đội ít nhất 3 nhân viên y tế được tập huấn chuyên môn tiêm chủng.

Hôm nay (19-6), Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho lực lượng nhân viên y tế trên toàn TP.HCM, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêm chủng an toàn cho các đợt tiêm chủng quy mô lớn trong thời gian tới.

Do số lượng cần tiêm đông, theo kế hoạch từng nhóm được thông báo lịch tiêm cụ thể về thời gian, địa điểm qua điện thoại. Trước khi tiêm sẽ được khám sàng lọc và sau khi tiêm có phòng ngồi chờ theo dõi ít nhất 30 phút và có trà gừng đường uống.

Trước, trong và sau tiêm, mỗi người phải thực hiện nghiêm quy tắc phòng dịch 5K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế, không tụ tập) của Bộ Y tế.

Các bệnh lý cần lưu ý khi tiêm

Theo Bộ Y tế, AstraZeneca là loại vắc xin mới và đã có một số phản ứng không mong muốn xảy ra. Do đó, việc khám sàng lọc trước khi tiêm rất cần thiết. Có khoảng 15 nhóm được Bộ Y tế xếp vào diện phải trì hoãn hoặc cẩn trọng khi tiêm vắc xin.

Cụ thể: người mắc bệnh cấp tính, ung thư giai đoạn cuối, người đang điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị trong 14 ngày trước, người đã tiêm vắc xin khác trong 14 ngày trước, người mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, người trên 65 tuổi giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu...

Ngoài ra, Bộ Y tế còn khuyến cáo một số bệnh lý mà nhân viên tiêm chủng cần cẩn trọng khi tiêm như với người có tiền sử dị ứng với thành phần của vắc xin, người có bệnh nền nặng, bệnh mãn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi và mắc các bệnh mãn tính có dấu hiệu bất thường dấu hiệu sống (mạch, huyết áp, nhịp thở...). Đặc biệt lưu ý với người đã phản ứng phản vệ từ độ 2 trở lên trong lần tiêm trước thì không tiêm mũi kế tiếp.

Bộ Y tế cho biết sau khi tiêm vắc xin này sẽ có khoảng 30% người gặp các phản ứng nhẹ như sốt, tiêu chảy, đau tại chỗ tiêm... Có khoảng 0,1% có phản ứng nặng hơn: phù mạch tại vị trí tiêm, kẹt huyết áp, sốc phản vệ. Bộ Y tế khuyến cáo khi có các phản ứng này, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

* Sau khi tiêm phòng COVID-19 cần theo dõi như thế nào?

- Theo Hướng dẫn giám sát sự cố bất thường sau tiêm phòng COVID-19 của Bộ Y tế, người được tiêm chủng cần lưu lại tại điểm tiêm chủng để theo dõi tình hình sức khỏe ít nhất 30 phút sau khi tiêm.

Theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày sau tiêm về: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường.

Người được tiêm cần liên hệ ngay với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu: sốt cao (trên 39oC) liên tục, tím tái, khó thở, nôn ói, vật vã, lừ đừ... hoặc khi những phản ứng thông thường (sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, chán ăn, đau bụng, hạch to, đổ nhiều mồ hôi, phát ban) kéo dài trên 24 giờ sau tiêm.

* Phụ nữ có thai hoặc cho con bú có tiêm phòng COVID-19 được không?

- Theo Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khuyến cáo nên tiêm phòng cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích của việc tiêm phòng vượt trội hơn các rủi ro tiềm ẩn của vắc xin, ví dụ họ là nhân viên y tế hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ bị mắc COVID-19 nặng.

Tương tự, với phụ nữ cho con bú cũng cần tiêm vắc xin nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 như nhân viên y tế.

Phụ nữ mang thai không cần thử thai trước khi tiêm. Người cho con bú không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.

N.T.

Cần trên 2,3 triệu liều vắc xin cho các nhóm ưu tiên

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, lượng vắc xin phòng COVID-19 cần để tiêm cho đối tượng ưu tiên tiêm miễn phí theo nghị quyết 21 của Chính phủ tổng cộng 2.385.223 liều. Trong đó, người dân ở quận Gò Vấp, các phường Tân Thới Nhất và Thạnh Lộc của quận 12, công nhân KCN-KCX lên tới 1.116.811 liều (riêng công nhân KCX-KCN là 320.000 liều); người trên 65 tuổi là 608.716 liều và người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội là 202.443 liều.