TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, kiểm soát chặt người ra vào
Sáng 5/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Chính phủ với TP.HCM về phòng chống dịch Covid-19. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp từ đầu cầu TP.HCM.
Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định số ca nhiễm tại thành phố tăng nhanh nhưng chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa.
Ông cho rằng TP.HCM là nơi đông dân nên cách làm là phân công đến tận quận, huyện. Thẩm quyền của quận, huyện lớn hơn, nhưng năng lực không đồng đều, thành phố và các đội của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ hướng dẫn trực tiếp đến từng địa phương.
Người ra vào thành phố phải có xác nhận xét nghiệm âm tính
Về vấn đề giãn cách, Phó thủ tướng thống nhất tinh thần TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, trừ các khu vực đang được phong tỏa.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM thống nhất quan điểm sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố, đảm bảo hàng hóa được lưu thông, không bị ách tắc.
Theo đó, TP.HCM khuyến nghị người dân ngoại tỉnh có việc thật sự cần thiết mới đến thành phố và phải thực hiện xét nghiệm.
TP.HCM sẽ chuẩn bị triển khai thật nhanh các hệ thống để kiểm soát và người dân phải được xét nghiệm trước khi đến hoặc rời thành phố. Các điểm kiểm soát sẽ sử dụng phương tiện điện tử để quét mã QR.
"Nếu có quy định mới liên quan tới việc giao thông đi lại của người dân thì phải thông báo trước ít nhất 24 giờ", ông Vũ Đức Đam yêu cầu.
TP.HCM đang tích cực thảo luận với các địa phương và phối hợp với cơ quan Trung ương để hoàn thành hướng dẫn cụ thể này sớm nhất.
Về xét nghiệm, Phó thủ tướng nhận định thời gian qua, nhiều đơn vị tham gia xét nghiệm nên việc kết nối dữ liệu chưa nhuần nhuyễn. Các nơi hiện đã khắc phục rất nhanh. Thành phố đang triển khai theo hướng người xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra vào một số địa bàn yêu cầu có chứng nhận xét nghiệm.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam khuyến nghị người được xét nghiệm có kết quả âm tính không có nghĩa là tuyệt đối an toàn và phải tiếp tục cảnh giác.
Cuối cùng, ông Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM chỉ đạo rất kỹ để đảm bảo đời sống cho nhân dân, nhất là người nghèo. Đặc biệt, việc tổ chức kỳ thi THPT đang được chuẩn bị chu đáo.
TP.HCM kiểm soát người ra vào thế nào?
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP.HCM, đại diện các bộ, ban, ngành và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đều thống nhất ý kiến TP.HCM có quy mô dân số đông, giao lưu rộng nên cần có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Liên quan vấn đề này, trước đó, Bộ Y tế đã có công điện ngày 30/6 về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Trong đó, Bộ Y tế hướng dẫn nhóm này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cần làm rõ thời hạn của kết quả xét nghiệm, để lực lượng chức năng có thể kiểm soát. Bộ Y tế cam kết trong ngày 5/7 sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Nhằm ứng dụng công nghệ để giám sát người ra vào TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng khai báo y tế, Bluezone hay NCovi. Do đó, người dân chỉ cần quét mã khi đi qua các điểm kiểm soát.
Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết trong vòng 24 giờ sẽ cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm và tiêm vaccine vào mã QR cá nhân. Người có nhu cầu ra vào TP.HCM chỉ cần khai báo y tế trung thực, thực hiện xét nghiệm đầy đủ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng triển khai các ứng dụng công nghệ nêu trên, thống nhất biện pháp liên quan đến hoạt động đi lại của người dân.
Trước đó, chiều 4/7, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực. Thời gian tới, Chính phủ bám sát, nắm chắc tình hình để kịp thời chỉ đạo hiệu quả.
Ông giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP.HCM. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cách ly, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng, thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng cách ly các ca F0.
Từ ngày 27/4 trưa 5/7, TP.HCM ghi nhận 6.405 ca mắc mới, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ).
Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...